Sáng 14-1, TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM kiêm Giám đốc Bệnh viện (BV) Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ, cho biết bệnh nhân đột quỵ khu vực miền Tây tăng nhanh mỗi năm.
BV Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Nguyên nhân là bà con có thói quen hút thuốc và uống nhiều rượu. Chưa hết, không ít người bị cao huyết áp nhưng không kiểm soát nên dẫn đến đột quỵ” – TS-BS Cường cho biết thêm
Theo TS-BS Cường, thống kê của BV Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ cho thấy trong năm 2019, BV này cấp cứu 781 bệnh nhân đột quỵ. Năm 2020, con số này tăng lên 2.345. Đến năm 2021, tổng số trường hợp cấp cứu đột quỵ tại BV này lên tới 3.499.
Các sở, ngành TP Cần Thơ đang họp lên kế hoạch thẩm định nhu cầu mở rộng tăng giường bệnh của BV Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Do đặc thù bệnh đột quỵ hầu hết là nặng, diễn biến phức tạp và nhanh nên rất nhiều trường hợp phải điều trị lâu. Trong năm 2019 và 2020, số ngày điều trị trung bình mỗi bệnh nhân đột quỵ là 5,4.
Qua năm 2021, do chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19, không ít trường hợp đột quỵ đến BV quá trễ và nặng nên kéo dài thời gian điều trị, trung bình mỗi bệnh nhân 7,1 ngày” – TS-BS Cường nói.
TS-BS Cường còn cho biết BV Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ công suất 100 giường nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Do đó, BV đang có nhu cầu mở rộng tăng giường bệnh lên 500 và phát triển các lĩnh vực chuyên sâu.
“BV đã kiến nghị UBND TP Cần Thơ cà các sở, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ BV hoàn thành các cơ sở pháp lý để nhanh chóng mở rộng tăng giường bệnh” – TS-BS Cường chia sẻ thêm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, các sở, ngành liên quan đã lên kế hoạch kiểm tra và thẩm định nhu cầu mở rộng tăng giường bệnh của BV Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ. Trên tinh thần phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ khu vực miền Tây, các sở, ngành thuộc UBND TP Cần Thơ đang xúc tiến những việc cần thiết để hỗ trợ BV Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ hoàn tất các thủ tục pháp lý. Từ đó sớm triển khai kế hoạch mở rộng tăng giường bệnh. |