Chính quyền TP Thuận An (Bình Dương) chỉ đạo văn phòng UBND TP này trả lại tiền Tết trước đó đã 'xin' của doanh nghiệp là rất kịp thời. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu không để xảy ra sự việc này.
Từ câu chuyện này, dư luận râm ran những chuyện "xin" theo cách tương tự, nhiều công ty khác cũng nhận được văn bản, với số tiền "ấn định" hàng trăm triệu đồng. Dư luận không đồng tình với giải thích từ văn phòng UBND TP Thuận An rằng muốn có kinh phí chăm lo Tết cho cán bộ nhân viên sau một năm trời vất vả chống dịch.
Bởi đại dịch khiến các doanh nghiệp phải lao đao, vừa xoay xở để tồn tại vừa chăm lo đời sống cho người lao động dù việc sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ trong thời gian dài. Nhiều công ty không trụ nổi, đơn vị nào còn duy trì được cũng rất "đuối" sức. Doanh nghiệp cần sự sẻ chia khi chính họ cũng đang cố gắng tìm nguồn kinh phí thưởng Tết cho nhân viên, dẫu rằng chỉ là tượng trưng.
Cuộc chiến chống dịch khiến cả nước tổn thất cả nhân mạng lẫn vật chất. Những cán bộ văn phòng kia hẳn có tham gia chống dịch, dù ở mức độ nào cũng đều được ngân sách nhà nước cấp phát một phần chi phí, có ý nghĩa động viên tinh thần.
Giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng thì đồng lương công chức, viên chức vẫn được bảo toàn. Sẽ rất khập khiễng nếu so sánh giữa họ với hàng triệu người lao động bị tạm ngưng việc làm và thu nhập, những trẻ em phải mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19. Đây mới là những đối tượng rất cần được quan tâm không chỉ dịp Tết mà cả giai đoạn "bình thường mới".
Chuyện Ủy ban MTTQ VN và đoàn thể các cấp hằng năm gửi thư ngỏ, kêu gọi nhà hảo tâm góp quà tặng người nghèo dịp Tết là lẽ đương nhiên. Lý do chính đáng, đúng đắn về chủ trương và đối tượng cũng rõ ràng, hoàn toàn hợp lý. Điều này khác với việc một cơ quan công quyền yêu cầu doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ tiền Tết để chi cho cán bộ của mình.
Một lần nữa người ta cũng thấy quả bóng trách nhiệm bị "đá" qua lại giữa những người liên quan. Người soạn thảo là ai không quan trọng, bởi lẽ người có thẩm quyền ký văn bản phải biết rõ nội dung mình sắp ký.
Kín đáo hơn, một số đơn vị vào khoảng thời gian trước Tết gọi điện "gợi ý" cơ sở kinh doanh dịch vụ để "xin" tiền vốn không hiếm gặp. Danh nghĩa là xin nhưng ít ai dám từ chối. Khoản tiền nhận được chưa biết bao nhiêu song việc để lại điều tiếng, lòng tin ít nhiều giảm sút cũng chỉ vì chuyện "tế nhị" này.
Chấm dứt triệt để vấn nạn "xin" tiền là việc phải làm ngay. Tuyệt đối không để thành nỗi ám ảnh của các đơn vị kinh tế vào những ngày cuối năm.
TTO - Nhiều ý kiến cho rằng cần cấm các hành vi "xin tiền" doanh nghiệp trong các dịp lễ, Tết bởi vì việc làm này ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của địa phương.
Xem thêm: mth.61524549041102202-ohn-peihgn-hnaod-ohc-nix-ioht/nv.ertiout