Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 thuộc phường Phú Hài, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tham gia buổi làm việc trên còn có đại diện của Viện KSND tối cao.
Dự án này có vị trí đắc địa, cửa ngõ kết nối đến khu du lịch quốc gia Mũi Né. Đây là dự án mà đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ kết luận có một số thiếu sót, cũng như có đơn tố giác việc giao đất cho chủ đầu tư mà không thông qua đấu giá.
Đây cũng là một trong số các dự án Bộ Công an đề nghị địa phương tạm ngưng giao dịch đối với những thửa đất thuộc sở hữu của chính chủ đầu tư. Còn những thửa đất trong dự án nhưng đã sang nhượng cho các cá nhân, tổ chức khác vẫn thực hiện bình thường.
Theo tư liệu của Tuổi Trẻ, khu đất của dự án trên thuộc 3 lô đất số 18, 19 và 20 với tổng diện tích là 9,26 hecta.
Trong đó, địa phương quy hoạch xây dựng 1,5 hecta đất thương mại dịch vụ, 4,6 hecta đất ở, còn lại là đất công cộng dùng chung thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B.
Theo địa phương, đây là khu nghĩa địa cũ, mồ mả dày đặc, đã được phê duyệt phương án đấu giá giao quyền sử dụng đất, với giá khởi điểm là hơn 111 tỉ đồng (giá năm 2013).
Phương thức đấu giá là chung một gói đấu giá, theo hiện trạng đất thô và khách hàng trúng đấu giá tự bỏ toàn bộ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh, bên trong phạm vi dự án.
Địa phương cho rằng đã thông báo bán đấu giá 6 lần (kéo dài từ năm 2013 đến 2015) nhưng không có khách hàng nào tham gia đấu giá.
Địa phương giải thích thêm do khu vực này là nghĩa địa tập trung, còn nhiều hố sâu, tường, bia mộ trong việc di dời mồ mả để lại… làm mất mỹ quan và thiện cảm nên không có nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Đáng chú ý, trong lúc các sở ngành dự kiến làm lại giá theo hướng giảm giá để đấu giá, thì đến tháng 1-2017 có Công ty cổ phần Tân Việt Phát xin chủ trương cho phép giao đất không thông qua đấu giá đối với 3 lô đất trên và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc UBND tỉnh Bình Thuận giao đất, cho thuê đất đối với dự án trên cho chủ đầu tư là phù hợp quy định vì đã thông báo nhiều lần nhưng không có khách hàng tham gia đấu giá.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận đã "ưu ái" khi sử dụng giá khởi điểm bằng hình thức đấu giá đất vào năm 2013 (tức hơn 111 tỉ đồng) để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi giao đất cho chủ đầu tư vào thời điểm năm 2017 là chưa đúng quy định.
TTO - Ngày 20-8, nguồn tin Tuổi Trẻ Online cho biết Sở Tư pháp Bình Thuận vừa ban hành văn bản đến các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện hướng dẫn việc cập nhật thông tin tài sản bị phong tỏa tại 3 dự án bất động sản “khủng” ở địa phương.