Hậu Giang – Theo nhiều người dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), mía thì ngọt thật nhưng càng ngày càng có “vị đắng” vì nỗi lo vụ này chưa xong lại lo đầu tư vụ mía mới.
Bà Nguyễn Thị Nương (xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp) gắn bó với cây mía gần 20 năm cho biết, những năm gần đây, mỗi một mùa vụ qua đi đều mang bao nỗi buồn khác nhau. Theo bà Nương, cách đây khoảng 10 năm, giá mía tuy thấp nhưng tính ra người trồng mía vẫn có lãi. Đến thời điểm bây giờ, giá mía ở mức hơn 1.000 đồng/kg, nhưng chi phí đầu vào lại quá cao, tính ra người trồng mía không có lãi.
Bà Nương cho biết thêm, mọi năm, giá mía bán tại ruộng ở mức 900 đồng/kg thì khi đầu tư vụ mới, mía giống chỉ ở mức 1.500 đồng/kg, nhân công đào hộc ở mức 1.000 đồng/m. Nhưng năm nay, giá mía tại ruộng nhích lên được 1.100 đồng/kg thì chi phí mía giống và nhân công đào hộc cũng tăng lên đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) cũng cho rằng, ngoài chi phí mía giống, nhân công đào hộc tăng thì phân bón năm nay cũng tăng mạnh. Nếu chủ động giảm phân bón thì năng suất mía sẽ bị giảm, kiểu gì nông dân cũng gặp khó, điều đó khiến bà và nhiều nông dân trồng mía năm nay cũng không khỏi mặn mà.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Lành (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) có khoảng 1ha mía vừa mới bán xong. Bà chia sẻ, trừ hết các khoản chi phí lãi chưa đến 20 triệu đồng, chỉ đủ để mua mía giống cho vụ sau, còn các khoản chi phí khác phải tiếp tục vay mượn.
“Cứ năm nào giá mía tăng thì năm đó chi phí sản xuất vụ mới cũng đội lên vài phần. Người dân ở đây không trồng mía thì cũng không biết trồng cây gì, bởi vì bà con cũng không còn tiền để đầu tư cho việc chuyển đổi”, bà Lành cho hay.
Tính đến thời điểm hiện tại, nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch được hơn 4.200/4.725ha mía, chiếm 90% diện tích xuống giống. Năm nay, lần đầu tiên nông dân trồng mía phấn khởi, vì giá mía tăng cao sau nhiều năm thua lỗ. và bên cạnh đó cũng kèm theo bao lo lắng.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, trong năm 2022, tỉnh sẽ quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, đồng thời tiếp tục chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác kết hợp với chuyển đổi giống có năng suất, chất lượng, chủ yếu là bán mía nước… Diện tích trồng mía vụ này khoảng 4.000ha, năng suất khoảng 100 tấn/ha, sản lượng đạt 400.000 tấn.
Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thông tin, để giúp nông dân tiếp cận với các chính sách mới của nhà máy đường, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã làm cầu nối để nông dân làm việc trực tiếp với doanh nghiệp ký kết các hợp đồng đầu tư và bao tiêu.
Ông Tuấn cũng thông tin thêm, ngoài việc liên kết với công ty, để tiết giảm chi phí ở những khu vực được quy hoạch, nông dân có thể chuyển từ việc trồng mía đường sang trồng mía làm nước ép để giảm chi phí nhân công thu hoạch.
Bên cạnh đó, quá trình sản xuất, bà con cũng nên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía, sử dụng cơ cấu giống cho năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, bón phân cân đối theo từng giai đoạn phát triển của cây mía.
Song song đó, ở thời điểm tuổi mía còn nhỏ bà con có thể áp dụng việc trồng xen cây màu để lấy ngắn nuôi dài, từ đó có thêm chi phí đầu tư cho cây mía.
Xem thêm: odl.658499-gnad-iv-oc-gnac-yagn-togn-aim-gnaig-uah/et-hnik/nv.gnodoal