Hồ chứa quặng duôi sau tuyển vàng hay còn gọi đập thải của mỏ vàng Phước Sơn - Ảnh: LÊ TRUNG
Ngày 14-1, Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Công nghiệp 6666 đã gửi đơn đến tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam đề nghị ngăn chặn Công ty TNHH vàng Phước Sơn tận thu, chế biến xái quặng (bùn thải sau khi đã thu hồi vàng) từ đập thải nhà máy vàng Phước Sơn.
Theo đó, năm 2013, công ty này được tỉnh cho phép đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền chế biến tận thu kim loại vàng tại thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn. Thời gian hoạt động là 18 năm và được gia hạn theo quy định.
Tháng 9-2013, công ty ký hợp đồng tận thu đuôi quặng thải trong thời gian 10 năm với công ty vàng Phước Sơn. Từ năm 2017- 2020, công ty vàng Phước Sơn tạm dừng hoạt động để tái cơ cấu, chuyển đổi cổ đông, công ty 6666 cũng phải tạm dừng hoạt động.
Năm 2020, công ty vàng Phước Sơn hoạt động lại, công ty 6666 nhiều lần gửi văn bản xin vận chuyển xái quặng từ nhà máy vàng về nhà xưởng riêng theo hợp đồng nhưng chưa được giải quyết.
Tháng 10-2021 công ty gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam can thiệp, tháo gỡ vướng mắc nhưng chưa nhận được phản hồi.
Mới đây, công ty vàng Phước Sơn có công văn gửi Bộ Tài nguyên - môi trường, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đề nghị xem xét, cho phép làm thủ tục thu hồi quặng chì trong các hồ chứa quặng đuôi sau tuyển (hay còn gọi đập thải - PV) của mỏ vàng ở xã Phước Đức.
Để có cơ sở tham mưu Bộ Tài nguyên - môi trường về đề nghị của công ty, tổng cục đề nghị các cơ quan trên nghiên cứu, tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan gửi về tổng cục trước ngày 14-1 để tổng hợp, báo cáo bộ xem xét, giải quyết.
Ông Trương Quốc Sỹ - giám đốc công ty 6666 - cho rằng Công ty vàng Phước Sơn xin phép tận thu chế biến xái quặng từ đập thải nhà máy vàng là không thực hiện theo đúng các điều khoản trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Theo ông Sỹ, sau khi ký hợp đồng với Công ty vàng Phước Sơn, công ty ông phải bỏ ra hơn 47 tỉ đồng đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Dù vậy, từ năm 2017 đến nay, công ty ông gặp rất nhiều khó khăn do phải dừng hoạt động.
Công ty mong tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường xem xét, có biện pháp ngăn chặn Công ty vàng Phước Sơn thực hiện các thủ tục tận thu chế biến xái quặng từ đập thải của nhà máy vàng này. Vì cùng một lúc không thể cho phép hai công ty cùng tận thu xái quặng tại một địa điểm, như vậy sẽ gây thiệt hại lớn cho công ty 6666.
"Đồng thời xem xét, tạo điều kiện và can thiệp để công ty vàng Phước Sơn đồng ý cho công ty 6666 được vận chuyển xái quặng từ đập thải về chế biến, tận thu kim loại và xử lý môi trường để công ty hoạt động trở lại, vực dậy, vượt qua khó khăn trong giai đoạn này" - ông Sỹ đề nghị.
Trả lời Tuổi Trẻ Online việc Tổng cục đề nghị tỉnh nghiên cứu, tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan gửi về tổng cục trước ngày 14-1 và công ty 6666 gửi đơn trên, tỉnh đã tham gia ý kiến, quan điểm sao, ông Trần Văn Tân – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết chưa nghe cấp dưới báo cáo.
TTO - Công ty TNHH Vàng Phước Sơn có công văn gửi Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đề nghị xem xét, cho phép làm thủ tục thu hồi khoáng sản đi kèm tại mỏ vàng Đăk Sa (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam).