Tuy vậy, với những nỗ lực ứng phó dịch COVID-19 và hỗ trợ kinh tế phục hồi quyết liệt trong thời gian qua, nước Mỹ đang hướng tới năm 2022 với nhiều hy vọng về một sự trở lại mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn kéo dài.
Khó khăn liên tiếp
Ông Justin Toone, chủ một gian hàng trong siêu thị Giant tại ngoại ô Bethesda của thủ đô Washington, cho biết, tình hình hiện nay đã khá hơn so với ngày 9/1 nhưng vẫn còn nhiều kệ hàng trống, thiếu rất nhiều sản phẩm.
Tình trạng khan hiếm sản phẩm đã từng xảy ra định kỳ trong đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Những ngày đầu là tình trạng thiếu giấy vệ sinh, sau đó hàng loạt mặt hàng khác cũng trở nên khan hiếm, đặc biệt tại những vùng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết xấu của mùa Đông như bão tuyết.
Ông Toone cho biết, tuần trước, trong nhiều ngày liền, không có hoa quả, không có rau trên các kệ hàng tại Giant cũng như ở khắp các cửa hàng tạp hóa. Mật ong, trứng, sữa và thịt cũng “biến mất” khỏi các siêu thị gần đó.
Trong khi đó, ông Patrick Penfield, Giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Syracuse, cho biết, khi các làn sóng lây nhiễm trước gây ảnh hưởng đối với từng nơi vào từng thời điểm, các cửa hàng tạp hóa có thể điều chỉnh các chuỗi cung ứng của mình. Nhưng việc Omicron lây lan quá nhanh đã cùng lúc tác động đến toàn bộ nước Mỹ.
Nhiều cửa hàng tạp hóa và các nhà sản xuất thực phẩm phải đối mặt với việc nhân viên bị ốm hoặc phải cách ly. Ngoài ra, còn có vấn đề về sản xuất và phân phối thực phẩm, và cả việc dỡ hàng khi đến các cửa hàng.
Các cửa hàng buộc phải thích ứng bằng cách cất hàng bày trên kệ vào kho, hạn chế bày bán những sản phẩm thiếu cung để khách hàng không thể mua hết hàng cùng một lúc.
Theo ông Penfield, những khu vực phải đối mặt với điều kiện thời tiết cực đoan là những nơi dễ bị tổn thương nhất do tình trạng khan hiếm hàng hóa. Nước Mỹ đang ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng mạnh khi biến thể Omicron lây lan nhanh.
Ông Penfield cảnh báo tình trạng khan hiếm hàng hóa sẽ kéo dài đến hết tháng Ba, với điều kiện tình hình sẽ trở lại bình thường và không xuất hiện biến thể mới.
Hiệp hội tạp hóa quốc gia (NGA), đại diện cho các chủ tư nhân trong ngành phân phối thực phẩm, cho biết các thách thức mà doanh nghiệp trên cả nước phải đối mặt trong việc tìm đủ nhân viên “đang gây khó khăn rất lớn cho những doanh nghiệp quan trọng như tạp hóa và thực phẩm”.
Thông báo của NGA nêu rõ, dù có nhiều thực phẩm trong chuỗi cung cứng, tình trạng khan hiếm của một số loại sản phẩm như trong một năm rưỡi qua vẫn sẽ tiếp diễn do các thách thức về lao động”.
Trong khi đó, số lượng lao động Mỹ nghỉ việc ghi nhận mức cao kỷ lục và tốc độ tuyển dụng của các doanh nghiệp tuyến đầu đã cho thấy làn sóng COVID-19 mới nhất đang làm suy giảm nguồn cung lao động.
Số liệu từ các công ty cung cấp dữ liệu tuyển dụng Homebase và UKG cho thấy số việc làm đang giảm dần đến tháng 12/2021, trùng với thời điểm biến thể Omicron xuất hiện và gây ra đợt bùng phát kỷ lục về số ca mắc mới.
Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ không “bơm” thêm các khoản tiền hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19 trong năm 2022, những người Mỹ ban đầu thoát khỏi đói nghèo nhờ các khoản tiền này sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế bất ổn, trong khi biến thể Omicron vẫn đang tiếp tục lây lan nhanh.
Theo một báo cáo hồi tháng 9/2021 của Cơ quan thống kê dân số Mỹ, 11,7 triệu người Mỹ đã thoát nghèo trong năm 2020 nhờ các khoản tiền hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19. Giờ đây khi các chương trình hỗ trợ này kết thúc, nhiều người sẽ phải tìm sinh kế mới trong năm 2022.
Dù chính phủ của Tổng thống Biden đã gia hạn ưu đãi tạm ngừng trả các khoản vay cho sinh viên, nhưng ông đã nói rõ rằng chính sách tạm dừng ngày sẽ không kéo dài mãi. Trước đó, ông Biden đã hứa hẹn sẽ giảm ít nhất 10.000 USD trong khoản vay sinh viên cho mỗi người, nhưng cam kết này vẫn chưa được thực hiện.
Tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn đối với nhiều người dân Mỹ đang gặp khó khăn. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng vô gia cư khổng lồ khi lệnh cấm trục xuất của chính phủ hết hạn trong năm 2021, nhưng nhiều bang và khu vực vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhà ở.
Bên cạnh đó, số lượng việc làm vẫn chưa phục hồi về các mức trước đại dịch dù tình hình đã khả quan hơn. Ngoài ra, các nỗ lực kích thích kinh tế trong đại dịch của Chính phủ Mỹ cũng góp phần gây ra vấn đề lạm phát hiện nay, từ đó khiến cho cuộc sống của người dân khó khăn hơn.
Dù các lệnh phong tỏa diện rộng có ít tác động kinh tế hơn so với lo ngại ban đầu, nhưng việc chấm dứt các hỗ trợ của chính phủ sẽ khiến nhiều người dân Mỹ còn ít khoản tiền dự phòng khẩn cấp hơn, trong khi biến thể Omicron đang gây ra nhiều bất ổn.
Hy vọng nhen nhóm
Tuy vậy, một bộ phận của nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động như bình thường. Số lượng người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần vừa qua thấp hơn mức trước đại dịch. Trong khi đó, ông Dave Gilbertson, phó chủ tịch của công ty quản lý tiền lương UKG, cho biết công ty hiện không thấy việc ngừng hoạt động kinh doanh trên diện rộng và nhu cầu người tiêu dùng vẫn cao trong các ngành công nghiệp.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng có thể còn quá sớm để tác động của Omicron xuất hiện trong các báo cáo kinh tế. Tâm lý người tiêu dùng Mỹ cải thiện trong tháng 12, nhưng ông Richard Curtin, trưởng bộ phận khảo sát người tiêu dùng của đại học Michigan, cho rằng “quá ít cuộc phỏng vấn” được thực hiện để biết được tác động của biến thể Omicron.
Đồng thời ông khuyến cáo niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng có thể giảm trong tháng 1/2022, tuy nhiên điều này còn quá sớm để biết tác động cuối cùng của Omicron đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một số chuyên gia kinh tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động Mỹ trong đầu năm 2022 giữa bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng cao và giảm các hỗ trợ tài chính.
Công ty nghiên cứu Oxford Economics hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm tới từ 4,4% xuống còn 4,1% bởi sự tăng nhanh số ca mắc COVID-19, và cho rằng tăng trưởng còn có thể chậm lại còn 3,7% nếu Kế hoạch chi tiêu “Xây dựng lại tốt hơn” (Build Back Better) không được thông qua.
Trong khi đó, theo giới quan sát, mặc dù biến thể Omicron của virus gây dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới kỳ nghỉ của hàng chục nghìn khách du lịch Mỹ, nó lại không tác động nhiều đến hoạt động mua sắm của người tiêu dùng nước này trong kỳ nghỉ Giáng sinh.
Báo cáo theo dõi hoạt động thanh toán Mastercard SpendPulse công bố hôm 26/12 cho thấy doanh số bán hàng trong mùa mua sắm nghỉ lễ tại Mỹ (tính từ ngày 1/11 đến 24/12) đã tăng 8,5% so với cùng kỳ một năm trước đó, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất trong 17 năm.
So với kỳ nghỉ lễ năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, doanh số bán hàng của năm nay đã tăng 10,7%. Kết quả ấn tượng trên được thúc đẩy chủ yếu bởi nhu cầu mua quần áo và đồ trang sức của người Mỹ. Cụ thể trong giai đoạn trên, doanh số bán quần áo tăng 47%, trang sức tăng 32% và đồ điện tử tăng 16%.
Doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và 61% so với cùng kỳ năm 2019. Các cửa hàng bách hóa cũng báo cáo mức tăng doanh số 21% so với cùng giai đoạn năm 2020.
Bức tranh rộng lớn hơn sẽ được đưa ra vào tháng tới, khi Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) công bố kết quả số liệu bán hàng tháng 11 - 12/2021 vào giữa tháng 1/2022. Báo cáo sẽ dựa trên số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, trong khi giới phân tích cũng sẽ “mổ xẻ” kết quả tài chính quý IV/2021 từ các nhà bán lẻ khác nhau.
Giới chuyên gia nhận định biến thể Omicron có khả năng làm chậm đà phục hồi mạnh mẽ bất ngờ của nền kinh tế Mỹ thông qua việc gián đoạn hoạt động đi lại và mua sắm trực tiếp. Biến thể này cũng có thể thúc đẩy lạm phát vốn đang tăng khá “nóng” bằng cách buộc các nhà máy và bến cảng đóng cửa, làm chậm trễ hoạt động vận chuyển hàng hóa và đẩy giá lên.
Cho tới hiện tại, giới chuyên gia vẫn chưa rõ mức độ tổn thương hoặc thời gian kéo dài của biến thể này đối với kinh tế Mỹ lẫn toàn cầu. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng 3-4% trong năm 2022.
Xem thêm: mth.15094718141102202-oc-oc-yugn-gnort-2202-man-ym-et-hnik/nv.zibmanteiv