Xe điện đang ngày càng trở nên phổ biến và cho thấy sự "bành trướng" của mình trên toàn cầu. Động lực thúc đẩy chủ yếu đến từ những chính sách "xanh hoá" của chính phủ các nước cũng như sự gia tăng trong nhu cầu đối với các dòng xe thân thiện với môi trường của người tiêu dùng.
Dĩ nhiên, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không bỏ lỡ "miếng bánh thị phần" đầy hấp dẫn trên. Bằng chứng là việc các thương hiệu xe điện nội địa Trung, thậm chí cả những tập đoàn vốn sản xuất điện thoại như Xiaomi hay Huawei đều không để mình nằm ngoài cuộc đua thống lĩnh thị trường xe điện quốc tế.
Xe điện Trung đắt khách
Nối gót xu hướng được tạo ra bởi gã khổng lồ xe điện Tesla, những thương hiệu nội địa như Xpeng hay Nio đã tung ra nhiều dòng xe mẫu mã đẹp với khả năng đi được quãng đường dài. Những ưu điểm trên nhanh chóng thu hút thị hiếu người tiêu dùng và mang về một lượng lớn đơn đặt hàng cho các nhà sản xuất chỉ trong thời gian ngắn.
Nio tung ra nhiều dòng xe mẫu mã đẹp với khả năng đi được quãng đường dài (Nguồn: Reuters)
Đơn cử như mẫu xe sedan gia đình P5 do Xpeng lắp ráp, sau vỏn vẹn 4 tháng lăn bánh khỏi dây chuyển sản xuất, đã đạt doanh số kỷ lục 5.030 xe chỉ riêng trong tháng 12. Đây cũng là mẫu xe điện đầu tiên trên thế giới được trang bị cảm biến lidar, được bán với giá 223.900 Nhân dân tệ, tức hơn 35.000 USD.
Mẫu ET5 của thương hiệu Nio ra mắt hôm 18/12 cũng chứng kiến lượng lớn đơn đặt trước. Không chỉ sở hữu PanoCinema, buồng lái kỹ thuật số toàn cảnh với công nghệ AR và VR, ET5 còn được trang bị công nghệ hỗ trợ người lái do chính Nio tự phát triển. Dòng xe phân khúc hạng trung này có giá cao hơn P5, thấp nhất từ 328.000 Nhân dân tệ trước trợ giá.
Huawei, ông lớn smartphone tưởng chừng như không liên quan song cũng đang hợp tác với nhiều nhà sản xuất ô tô mảng công nghệ tự lái. Chính thức bước chân vào "cuộc đua" xe điện tại Trung Quốc từ cuối năm 2021, Huawei "khởi động" bằng Aito M5 – mẫu xe chạy bằng cả điện và nhiên liệu với hệ điều hành HarmonyOS được cho là sẽ đánh bại mẫu Model Y của Tesla. Với hơn 6.500 đơn đặt hàng được ghi nhận chỉ sau 4 ngày ra mắt, Aito M5 được kỳ vọng có thể cạnh tranh trực tiếp với con cưng Tesla của tỷ phú Elon Musk.
Xe Xpeng đang ngày càng trở nên thịnh hành tại đại lục (Nguồn: CNBC)
Các dòng xe điện của Nio, Xpeng hay Huawei nói riêng và cả ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc nói chung đang ngày càng trở nên thịnh hành tại đại lục. Sự hiện diện của chúng dần sánh ngang với các dòng xe chạy xăng truyền thống trong bối cảnh giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu trong vòng 15 năm tới, toàn bộ ô tô di chuyển nội địa sẽ là xe điện. Chính vì vậy, thị trường này tại Trung Quốc được cho là sẽ dần chuyển biến, từ việc được "nuôi" bằng chương trình trợ giá của chính phủ, sang tự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đòn bẩy mang tên nhu cầu người dùng.
Một thị trường đã bước qua thuở sơ khai
Nhận định trên của giới chuyên gia là có cơ sở, bởi Trung Quốc không còn là thị trường xe điện non trẻ. Theo ước tính của Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc, trong năm 2021, doanh số các dòng xe năng lượng mới NEV đạt khoảng 2,4 triệu chiếc, bao gồm cả xe thuần điện, xe lai hybrid (xe chạy bằng điện và xăng) và fuel-cell (xe điện chạy bằng nhiên liệu khí hydro hóa lỏng). Tốc độ sản xuất xe điện của một số thương hiệu nổi bật như Xpeng hay Nio thậm chí còn nhanh hơn cả những gì mà Tesla đã làm từ những ngày đầu.
Theo đại diện hãng Xpeng, công ty này đã sản xuất 100.000 chiếc xe điện sau 6 năm thành lập, trong khi Tesla mất đến 12 năm để sản xuất cùng số lượng xe trên. Nhà sản xuất ô tô và pin điện BYD của Trung Quốc cũng cho biết đã sản xuất được 1 triệu chiếc xe năng lượng mới, bao gồm cả xe thuần điện lẫn xe lai hybrid.
Thành công trên có được phần lớn đến từ chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ đại lục. Tính đến cuối tháng 3/2021, Trung Quốc đã chi ra khoảng 60 tỷ USD tiền trợ cấp cùng 500.000 trạm sạc điện (gấp 5 lần so với Mỹ) nhằm phát triển thị trường xe xanh mới. Hàng loạt chính sách hỗ trợ như miễn phí trước bạ, hoàn tiền và giảm thuế doanh nghiệp cũng giúp ngành công nghiệp xe điện tại đây bước vào giai đoạn phát triển như vũ bão.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã làm được một việc tưởng như rất khó, đó là đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở các trạm sạc điện. Dữ liệu từ Liên minh xúc tiến cơ sở hạ tầng sạc xe điện EVCIPA cho thấy, tính đến tháng 10/2021, Trung Quốc đang cung cấp hơn 2,2 triệu trạm sạc xe điện EV trên khắp cả nước, tăng hơn gấp đôi so với hồi năm 2020. Cơ sở hạ tầng cho xe điện của Trung Quốc theo đó được đánh giá cao, trong khi các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, vẫn còn khá nhiều việc phải làm.
Người Trung Quốc ngày càng ưa chuộng xe điện (Nguồn: Reuters)
Ngoài bệ đỡ từ phía chính phủ, sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, từ các dòng xe truyền thống sang xe điện, cũng là yếu tố giúp thị trường này bùng nổ. "Người tiêu dùng bắt đầu nhận ra rằng xe điện có thể thay đổi cách chúng ta tham gia giao thông. Họ dần cảm thấy thích thú với các dòng xe điện mới", ông Bryan Gu, Chủ tịch hãng xe điện Xpeng cho biết.
Ông Michael Dunne, CEO Công ty xe điện ZoZo Go cũng chia sẻ: "Trong năm 2020, thị trường xe điện và xe lai hybrid tại Trung Quốc đã thay đổi diện mạo hoàn toàn. Khảo sát cho thấy, lần đầu tiên, người tiêu dùng không còn quan tâm tới các chính sách trợ giá khi mua xe điện. Họ chú trọng hơn vào mẫu mã và quãng đường có thể đi sau một lần sạc".
Nhờ tiềm năng phát triển lớn, Trung Quốc đặt mục tiêu cứ 4 xe chạy trên đường phố vào năm 2025 thì có 1 chiếc là xe năng lượng mới. Đến năm 2035, toàn bộ ô tô lưu thông tại quốc gia này được kỳ vọng sẽ là xe điện hoặc xe hybrid, tức vừa sử dụng động cơ đốt trong và động cơ điện. Nỗ lực trên của chính phủ cũng nhằm hiện thực hoá mục tiêu trung hoà khí thải carbon cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2060.
Trung Quốc tham vọng chiếm lĩnh thị trường xe điện quốc tế (Nguồn: Nikkei)
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn tham vọng chiếm lĩnh thị trường xe điện quốc tế với số lượng xe bàn giao dự kiến đạt kỷ lục 20 triệu chiếc vào năm 2030. Sau khi chậm rãi giành được vị thế ở châu Âu và cạnh tranh trực tiếp với Volkswagen và Peugeot, các hãng xe điện Trung Quốc còn tham vọng bành trướng tại Nhật Bản – nơi được mệnh danh là cái nôi của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Họ chọn cách thâm nhập bằng xe điện với hiệu suất cao nhưng với mức giá rất cạnh tranh.
Sở hữu ông lớn trong lĩnh vực pin xe điện
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố khiến Trung Quốc có lợi thế để bứt tốc trong cuộc đua xe điện, là quốc gia này đang thâu tóm phần lớn thị trường sản xuất pin. Trong đó, CATL (Contemporary Amperex Technology Limited) đại diện cho con đường thống trị ngành công nghiệp pin EV toàn cầu và lĩnh vực năng lượng mới của Trung Quốc đại lục.
CATL hiện là nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới với giá trị thị trường lớn hơn cả hãng xe General Motors và Ford cộng lại. Sau khi tuyên bố đầu tư 24 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3,77 tỷ USD) mở rộng năng lực sản xuất pin ở tỉnh Tứ Xuyên hồi tháng 12 năm ngoái, CATL bắt đầu xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh Hồ Bắc nhằm cung cấp năng lượng cho 4 triệu xe điện. Ngoài ra, công ty này cũng đang xem xét xây nhà máy mới tại Ba Lan và Đức để mở rộng quy mô hoạt động.
CATL đại diện cho con đường thống trị ngành công nghiệp pin EV toàn cầu và lĩnh vực năng lượng mới của Trung Quốc đại lục (Nguồn: Nikkei)
Với vị thế là nhà sản xuất pin xe điện có lợi nhuận lớn nhất thế giới, CATL hiện đang cung cấp năng lượng cho một loạt các thương hiệu lớn, trong đó có cả gã khổng lồ Tesla. Công ty này theo đó được cho là có thể giúp Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua pin xe điện - công nghệ trung tâm trong cuộc cách mạng xanh rộng lớn.
Như vậy, dễ dàng nhận thấy Trung Quốc đang nắm trong tay mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng pin, trong khi ở Mỹ, dây chuyền sản xuất này gần như bằng 0. Sự thống trị này đã dấy lên nhiều lo ngại rằng một ngày nào đó, Detroit – trung tâm công nghiệp ô tô lớn của Mỹ sẽ dần trở nên lỗi thời và Bắc Kinh có thể thâu tóm việc lái xe của người Mỹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia, ngay cả khi đang có nhiều lợi thế hơn, Trung Quốc cũng không nên "ngủ sâu trên chiến thắng" bởi các đối thủ khác sẽ không chịu đi sau quá lâu.
Theo: Bloomberg, reuters, nikkei
http://tintuc.vdong.vn/01/1182673.htmHuệ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị