Đỉnh điểm của việc đấu tranh đòi quyền lợi khi mới đây hàng chục người mang băng rôn tuần hành vì chủ đầu tư cho người đến quản lý vận hành.
Cư dân bức xúc phản đối chủ đầu tư đưa người vào vận hành tòa nhà
Chủ đầu tư đưa "anh em xã hội" đến vận hành tòa nhà
"Những người mặc trang phục bảo vệ nhưng với những thái độ như dân 'xã hội', họ được chủ đầu tư thuê đến để vận hành, nhằm mục đích chiếm đoạt quỹ bảo trì và diện tích chung để kinh doanh. Nhiều lần đã có chính quyền can thiệp nhưng nhiều năm qua chủ đầu tư vẫn coi thường, không chấp hành", một số phản ánh cho biết.
Chiều 14/1, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Long Trưởng ban quản trị tòa nhà cho biết, mâu thuẫn vẫn đang diễn ra tuy nhiên ngay sau khi chủ đầu tư đưa người đến vận hành tòa nhà, trước sự phản đối quyết liệt của cư dân nên hiện tại phòng quản lý vận hành đã bị niêm phong.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Xuân Chinh – Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, tối 13/1 chính quyền đã vào cuộc, vụ việc hiện đã được báo cáo lên cấp quận. Ông Chinh khẳng định, công an đang vào cuộc điều tra khách quan, không để bất kỳ ai lợi dụng danh nghĩa chính quyền làm các việc ảnh hưởng đến địa phương và gây mất an ninh trật tự.
Băng rôn treo trên tòa nha
Thậm chí những tấm băng rôn rất lớn
Theo ghi nhận của chúng tôi, xung quanh tòa Trung Rice City Linh Đàm, người dân đã treo rất nhiều tấm băng rôn có nội dung yêu cầu chủ đầu tư phải trả lại quỹ bảo trì và những tấm băng rôn cỡ lớn có nội dung yêu cầu chủ đầu tư phải trả lại sân chơi cho cư dân.
Nhiều cư dân sống tại đây cho biết, phần diện tích theo quy hoạch làm sân chơi, đường đi đang bị chủ đầu tư chiếm dụng làm chỗ đỗ xe.
Cụ thể, theo hồ sơ quy hoạch dự án và hồ sơ hoàn công các hạng mục thuộc phạm vi dự án Tòa nhà và hồ sơ bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật được Chủ đầu tư - Công ty Cổ phần BIC Việt Nam bàn giao cho Ban Quản trị tòa nhà thì khu đất khuôn viên sân vườn cảnh quan của tòa nhà thuộc diện tích sử dụng chung của cư dân.
Mặc dù chủ đầu tư bàn giao toàn bộ hệ thống kỹ thuật gắn liền với khu khuôn viên: Hệ thống cáp ngầm hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng, cây xanh…nhưng chủ đầu tư lại chiếm dụng toàn bộ diện tích khu vực khuôn viên sân vườn thuộc diện tích sử dụng chung của cư dân để kinh doanh trái phép bằng hình thức cho đơn vị khác thuê làm bãi đỗ xe ô tô và kiốt kinh doanh bán hàng.
Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của cư dân.
Trao đổi với báo chí, Trưởng ban quản trị tòa Trung cho biết, chủ đầu tư BIC Việt Nam để cho đơn vị quản lý vận hành Công ty SASP ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài kinh doanh trông giữ xe ô tô trên diện tích khuôn viên sân vườn thuộc diện tích sử dụng chung của tòa nhà, với số lượng bình quân hơn 100 xe ô tô/ngày, đơn giá 800.000 đồng/xe/tháng. Từ tháng 6/2021, ban quản lý tòa nhà và đơn vị kinh doanh bãi xe đã tăng giá lên 900.000 đồng/xe/tháng.
"Việc chủ đầu tư để cho đơn vị quản lý vận hành ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài kinh doanh trông giữ ô tô trên khu đất khuôn viên sân vườn thuộc diện tích sở dụng chung của tòa nhà là chiếm dụng trái phép, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi ích của cư dân", ông Long bức xúc nói.
Chủ đầu tư vẫn im lặng
Khiến người dân phải xuống đường
Nhà ở xã hội nhưng người khó khăn thực sự khó tiếp cận
Cũng tại dự án trên, trong khi bị người mua nhà đòi quỹ bảo trì, trả lại vườn hoa thì, mới đây lại hé lộ việc mua bán nhà trái phép khi bầu bổ sung thành viên Ban quản trị tòa Trung, thiếu sự công bằng đối với những tiêu chí xét duyệt sở hữu căn hộ.
Trưởng Ban quản trị tòa Trung xác nhận, hiện nay Ban quản trị đã hoàn thành bổ sung thành viên ban quản trị. Tuy nhiên, nhiều thông tin cho rằng, thành viên mới bổ sung này không thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo đúng tiêu chí nên đã lộ rõ việc mua bán nhà trái phép, gây mất bình đẳng, thiếu công bằng đối với nhiều người thực sự mất đi cơ hội có chỗ ở.
Cụ thể, theo biên bản họp Ban quản trị và kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến cư dân, ngày 27/7/2021, UBND phường Hoàng Liệt quyết định công nhận ông Vũ Ngọc N là đại diện chủ sở hữu căn hộ 15A06-A2 tòa Trung nhà chung cư Rice City Linh Đàm được bổ sung vào Ban quản trị. Tuy nhiên, theo tìm hiểu tại Sở Xây dựng Hà Nội, người đứng tên chủ sở hữu căn hộ 15A06, tòa nhà A1.A2 (Tòa nhà Trung - Rice City Linh Đàm) là của bà Nguyễn Thị Thu H và ông Phạm Tuấn D.
Về vấn đề này, đại diện Ban quản trị xác nhận ông N không phải người đứng tên căn hộ 15A06-A2 nhưng là người sử dụng, ăn ở thường xuyên tại đây và có giấy ủy quyền của chủ sở hữu căn hộ.
Theo ông Long, người được mua căn hộ 15A06-A2 thực sự là gia đình bà H và ông D, tuy nhiên ông Nam đủ điều kiện tham gia ban quản trị, bởi vì có giấy ủy quyền mua nhà, là người sinh sống và ở căn hộ trên, không sai với quy chế.
Không phải trên đây là trường hợp ngoại lệ mà tại dự án nhà ở Rice City còn có đại gia cũng sở hữu đến 2 căn.
Từ năm 2017, báo chí đã phản ánh và cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra về trường hợp người đàn ông tên K đang ở nhà biệt thự, ông K có con gái nổi danh là một nữ đại gia nhưng vẫn sở hữu 2 căn hộ tại tòa Bắc và tòa Nam (Chung cư Rice City Linh Đàm), khiến dư luận quan tâm.
Khu vực sân đỗ xe
Người dân kêu cứu
Thanh tra lập chuyên đề
Vừa qua Bộ Xây dựng cho biết sẽ thực hiện thanh tra 2 chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh, trong đó có thành phố Hà Nội, về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn.
Chuyên đề thứ nhất về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn. Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hiện nay, nhiều chung cư trên địa bàn các thành phố lớn xảy ra tình trạng tranh chấp phí bảo trì, quyền quản lý, vận hành quỹ bảo trì. Thậm chí, các bên liên quan đã phải đưa nhau ra tòa khi không có được tiếng nói chung.
Cụ thể, kinh phí bảo trì do người mua nhà chung cư đóng, bằng 2% giá trị hợp đồng mua căn hộ. Chủ đầu tư đứng ra thu kinh phí bảo trì khi làm hợp đồng mua bán và bàn giao lại sau khi chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng và cư dân bầu ra ban quản trị.
Mâu thuẫn chủ yếu là việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, một số chủ đầu tư cố tình "ôm quỹ" không bàn giao cho ban quản trị tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì chiếm khoảng 36%, đứng thứ hai trong tổng số vụ tranh chấp tại các chung cư. Nổi lên là tranh chấp xảy ra giữa cư dân - chủ đầu tư và giữa cư dân - ban quản trị do quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chưa đúng quy định.
Bảo vệ tòa nhà mới được chủ đầu tư đưa đến vận hành
Chính quyền đã niêm phong khu phòng làm việc
Chung cư Rice City Linh Đàm tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội do Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư, đã bàn giao và cho cư dân vào ở từ tháng 12/2016.
Nhưng theo phản ánh của trưởng ban quản trị và nhiều cư dân tại đây thì đến nay chủ đầu tư chưa bàn giao kinh phí bảo trì, trong khi đó, nhiều căn hộ đang bị xuống cấp.
Chuyên đề thứ hai là thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị ở 11 tỉnh, thành trên. Đối tượng thanh tra là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
https://afamily.vn/ha-noi-cu-dan-rice-city-linh-dam-cang-bang-ron-tap-trung-phan-doi-chu-dau-tu-dua-anh-em-xa-hoi-den-van-hanh-toa-nha-20220115083252384.chnTheo Minh Ngọc
Nhịp Sống Việt