Theo mô tả của truyền thông Triều Tiên, tên lửa đã tấn công chính xác mục tiêu nằm ở vùng biển phía đông nước này. Trước đó, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên dường như đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bay được khoảng 430 km và đạt độ cao 36 km. Đây là loạt tên lửa thứ 3 mà Triều Tiên phóng trong 10 ngày gần đây, bao gồm 2 vụ thử riêng biệt đối với một hệ thống tên lửa siêu thanh mới, được thiết kế để tránh hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ.
Trong một đoạn video đăng tải trước vụ phóng , Triều Tiên tuyên bố nước này có một hệ thống đường sắt tên lửa giúp tăng cường khả năng tấn công đồng thời tập trung vào các mối đe dọa của Bình Nhưỡng cũng như phản ứng tốt hơn với các mối đe dọa khác nhau.
Cũng trong ngày 14/1, Triều Tiên cảnh báo họ sẽ có "phản ứng mạnh mẽ và kiên định" sau khi Mỹ trừng phạt các cá nhân liên quan đến chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, nói rằng các cuộc thử nghiệm trong tháng này đối với hệ thống tên lửa siêu thanh là một phần "quyền hợp pháp" để tăng cường khả năng tự vệ của nước này.
Vài ngày sau tuyên bố chính thức, Triều tiên đã bắn 2 tên lửa đạn đạo nhằm chứng tỏ rằng họ có thể chứng minh lời nói của mình bằng một phản ứng tức thì.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên án các vụ thử nghiệm tên lửa gần đây của Triều Tiên, cho rằng nó vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Kể từ đầu năm 2022, Triều Tiên tiến hành hàng loạt các vụ thử nghiệm. Cuối năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố trong một cuộc họp rằng ông quan tâm tới việc củng cố kho vũ khí của mình hơn là quay lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, vốn đã bị đình trệ gần 3 năm qua.
Trong phát biểu của mình, ông Kim kêu gọi Triều Tiên tập trung vào công việc để giảm bớt tình trạng thiếu lương thực và ngăn chặn Covid-19 đồng thời cho rằng việc đàm phán giải trừ quân bị là một trong những ưu tiên thấp của ông trong những tháng tới.
Về phần mình, Chính quyền Biden cho biết họ có thể đưa ra những hồi đáp, chẳng hạn như nới lỏng các lệnh trừng phạt toàn cầu, vốn đã bao vây Triều Tiên suốt nhiều năm qua, nếu Bình Nhưỡng chứng minh được rằng họ đã giải trừ quân bị. Tuy nhiên, Triều Tiên luôn muốn thấy lợi ích trước khi tiến hành việc này.
Kể từ sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 kết thúc mà không đạt được bất cứ thành quả gì, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã xấu đi trong những năm tháng còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Khi ông Joe Biden đảm trách cương vị ông chủ Nhà Trắng, mối quan hệ này tiếp tục không được làm ấm. Hiện tại, Triều Tiên không phải ưu tiên trong chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden.
Về phần mình, Triều Tiên cũng không còn tỏ ra mặn mà trong việc thay đổi mối quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc để chấm dứt chiến tranh Liên Triều, cuộc chiến kéo dài suốt gần 70 năm qua, vốn chỉ ngưng tiếng súng nhờ một thỏa thuận ngừng bắn.