Ngày 14-1, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Long An tổ chức kết nối nông sản, sản phẩm chế biến vào thị trường TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Long An) cho biết, tình hình COVID-19 đã là khó khăn mà hoạt động xuất khẩu của bà con trong huyện càng khó khăn hơn.
Hiện nay huyện Châu Thành có 9.200 hecta trồng thanh long, 1.500 hecta nuôi tôm. Đợt thu hoạch thanh long từ nay cho đến Tết khoảng 30 ngàn tấn.
“Qua chương trình kết nối, mong sao trái thanh long huyện Châu Thành được tiêu thụ trong thời gian sớm nhất để bà con có cuộc sống ổn định hơn tron dịp tết này”, ông Khải nói.
Đại diện siêu thị Emart cho biết, mỗi siêu thị có quy định quy chuẩn khác nhau đối với hàng hóa khi vào siêu thị. Hiện nay tại Emart, tiêu chuẩn tập trung vào khối hàng trung và cao cấp. Đối với hàng cao cấp kích cỡ từ 450gr trở lên/trái, có cuống dài, không có đốm…
Tại siêu thị Emart thanh long ruột đỏ trung bình tiêu thụ 1 tấn/tháng, thanh long trắng 1 tấn/tháng. Số lượng tiêu thụ thật sự không nhiều.
Lí giải điều này, đại diện Emart cho biết vì đại siêu thị có rất nhiều mặt hàng, khách hàng không thể ngày nào cũng ăn thanh long.
Bên cạnh đó, những trái thanh long kích cỡ nhỏ người tiêu dùng thường cho là bị non, ăn cảm thấy không ngọt nên không mua nhiều. Trong khi đó, đối với thanh long tiêu chuẩn xuất khẩu từ 450gr trở lên, từ 600gr trở lên Emart bán rất tốt.
Hiện nay thanh long xuất khẩu của tỉnh Long An gặp khó khăn. ẢNH: TÚ UYÊN
Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc Ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh Công ty Tiki nói trước thông tin xuất khẩu thanh long bị tắc nghẽn, ban lãnh đạo công ty quyết tâm đồng hành cùng bà con nông dân, đã liên hệ với Sở Công Thương tỉnh Long An. Và chuyến hàng đầu tiên khoảng 10 tấn thanh long được phân phối đến người dân TP.HCM.
“Tiki nỗ lực tiêu thụ trái thanh long bằng việc mua bao nhiêu bán đúng giá bấy nhiêu, giao đến tận nhà miễn phí ship thậm chí còn khuyến mãi. Nhưng hành vi mua thực phẩm tươi sống, trái cây trên online còn khá mới mẻ với người tiêu dùng do không được cầm nắm, chọn lựa nên hiện tại chưa nhiều. Tuy nhiên, đây là tiền lệ tốt để thời gian tới bà con tiếp tục phát triển thêm việc bán nông sản thực phẩm qua online”, ông Nhi nói.
Chẳng hạn khi bán online người tiêu dùng không trực tiếp chọn lựa nên quan tâm đến mô tả sản phẩm thế nào, khi giao hàng đảm bảo đúng như vậy. Ví dụ Tiki rao trái thanh long 500gr, khi giao tới tay khách hàng trái thanh long có thể dao động 450-500gr nếu lệch ra kích cỡ này khách không hài lòng.
“Tiki và những HTX, hộ nông dân phải thống nhất đảm bảo chất lượng khi giao nguyên lô hàng, đảm bảo tính đồng đều. Qua đó, sản thương mại điện tử dần gia tăng thói quen tiêu dùng của người dân trên online”, ông Nhi nói.
Các hợp tác xã giới thiệu nông đặc sản của tỉnh tại hội nghị. ẢNH: TÚ UYÊNO
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thời gian qua hoạt động sản xuất của bà con nông dân chủ yếu phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc, phụ thuộc theo đặt hàng của thương lái nên khá bấp bênh.
Bên cạnh đó, tiềm năng thị trường TP.HCM lớn nhưng việc tiêu thụ còn khó khăn.
Theo ông Phương, với sự tham gia của lực lượng bán lẻ lớn mạnh của thành phố gồm ba chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức, các hệ thống phân phối hiện đại lớn của TP.HCM như Central Retail, Emart, Bách Hóa Xanh, Vincomerce, sàn thương mại điện tử Tiki, Sen Đỏ… Qua buổi kết nối, có thể sẽ hỗ trợ được phần nào đầu ra trước mắt cho trái thanh long tuy nhiên cần chiến lược lâu dài.
Ông Phương gợi ý, chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM trải qua 20 năm được Sở Công Thương TP.HCM triển khai khá thành công và có nhiều kinh nghiệm.
“Chúng tôi tính toán đề xuất với Sở Công Thương các tỉnh trong đó có Long An kêu gọi các DN Long An, nhà cung cấp có năng lực tham gia. Đây có thể là kênh mới để DN tham gia vào thị trường TP.HCM lâu dài bền vững”, ông Phương nói.