Bà MacKenzie Scott - Ảnh: Getty images
Số tiền từ thiện lớn như thế nhưng đặc biệt không có lễ công bố trao tiền tài trợ, không có ai lên bục phát biểu và cũng không có thông tin quảng bá làm từ thiện rùm beng trên báo chí.
Tôi đang giữ khoản tiền không tương xứng cần chia sẻ.
Bà MACKENZIE SCOTT
Tài trợ 8,6 tỉ USD cho 780 tổ chức
Hơn 4 tỉ USD đó của nữ tỉ phú MacKenzie Scott (sinh năm 1970). Bà là nhà văn viết tiểu thuyết, mẹ của bốn người con, người sáng lập tổ chức chống bắt nạt Bystander Revolution vào năm 2014 và là người trong những năm 1990 đã giúp phu quân - doanh nhân Jeff Bezos xây dựng Công ty công nghệ Amazon trở thành một trong những công ty quyền lực nhất thế giới.
Đợt rót tiền tài trợ kể trên là một cuộc làm từ thiện lớn chớp nhoáng mà bà Scott thực hiện theo cách riêng của bà. Các cố vấn của bà chỉ gửi email báo tin đã gửi tiền tài trợ rồi gọi điện thoại xác nhận lần nữa với các hiệp hội, các tổ chức từ thiện, các trường trung học và đại học.
Nhiều cá nhân nhận tiền tài trợ ngạc nhiên không nói nên lời. Có người đã bật khóc vì tổ chức của họ đã chạy vạy tìm nguồn tài trợ trong nhiều năm và rất nhiều lần xôi hỏng bỏng không bởi họ không phải là tổ chức nổi tiếng.
Bà Scott sống rất kín đáo, thi thoảng mới xuất hiện tại vài sự kiện và rất ít khi trả lời phỏng vấn báo chí. Sau khi ly hôn với chồng năm 2019 sau 25 năm chung sống, tài sản cá nhân của bà dựa trên 1/4 số cổ phiếu Amazon (trị giá ban đầu 36 tỉ USD) mà bà nhận được. Ngay sau đó, bà bắt đầu làm từ thiện.
Tháng 5-2019, bà tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" (Giving Pledge). Thư cam kết của bà có đoạn: "Tôi đang giữ khoản tiền không tương xứng cần chia sẻ... Cách tiếp cận hoạt động từ thiện của tôi sẽ tiếp tục được cân nhắc kỹ lưỡng. Phải cần nhiều thời gian, công sức và thái độ quan tâm, nhưng tôi sẽ không chờ đợi và sẽ tiếp tục cho đến khi két tiền hết sạch".
Cách thức làm từ thiện của bà khác xa cách làm từ thiện truyền thống. Bà sẵn sàng tiết lộ danh tính những người nhận tiền tài trợ nhưng không tiết lộ số tiền làm từ thiện. Bà không hài lòng với việc đưa tin các khoản tài trợ của bà và cho rằng "nhiều người cứ bị các con số ám ảnh thay vì tập trung vào các tổ chức nhận tài trợ".
Phải đến ngày 9-12-2021, cuối cùng bà mới chịu công bố số tiền làm từ thiện. Theo tạp chí Forbes, chỉ trong thời gian hơn hai năm từ năm 2019 - 2021, người phụ nữ có tài sản trị giá 57 tỉ USD này đã gửi 8,6 tỉ USD cho 780 tổ chức.
Trong thời gian 5 tháng trong năm 2020, bà đã tổ chức hai chiến dịch lớn vào tháng 7 và tháng 12 với số tiền tài trợ gần 6 tỉ USD cho hàng trăm tổ chức chuyên thúc đẩy các vấn đề như bình đẳng giới, công bằng chủng tộc, sức khỏe cộng đồng.
Các chuyên gia về hoạt động từ thiện ở Mỹ đánh giá đây là số tiền từ thiện lớn nhất được một nhà tài trợ còn sống trực tiếp trao cho các tổ chức từ thiện trong vòng một năm. Cứ so sánh quỹ từ thiện của Bill Gates với gần 1.800 nhân viên đã tài trợ 5,8 tỉ USD trong năm 2020 sẽ thấy cá nhân bà làm từ thiện thế nào.
Quỹ từ thiện của Bill Gates thường tài trợ cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới. Ngược lại, phần lớn tiền tài trợ của bà Scott được trao cho các tổ chức trong nước. Thông thường đó là các tổ chức nhỏ, khó vận động tiền từ thiện.
Đặc biệt bà chú trọng các tổ chức do những người có kinh nghiệm sống lãnh đạo, các tổ chức do người da màu và các nhà lãnh đạo phi truyền thống phụ trách, ví dụ các tổ chức phụ nữ do phụ nữ lãnh đạo hay các nhóm bình đẳng chủng tộc do người da màu phụ trách.
Bà giải thích các tổ chức phi lợi nhuận nhỏ không chỉ thường xuyên thiếu hụt tiền tài trợ mà thậm chí còn bị gạt ra rìa trong các chiến dịch gây quỹ.
Ngân hàng lương thực San Antonio là một trong các tổ chức đã nhận tài trợ của bà Scott - Ảnh: mysanantonio.com
Không kèm theo điều kiện ràng buộc
Theo truyền thống, lâu nay các nhà từ thiện thường làm từ thiện theo phong cách kỹ trị. Họ lập ra quỹ từ thiện, đề ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt để chọn lọc các cá nhân và tổ chức thụ hưởng tiền tài trợ, vạch ra nhiều kế hoạch làm từ thiện rất rườm rà rồi giám sát chặt chẽ theo kiểu gia trưởng.
Trong khi đó, cách làm từ thiện của nữ tỉ phú MacKenzie Scott được xem là vô tiền khoáng hậu.
Chuyên gia Benjamin Soskis ở Trung tâm về các tổ chức phi lợi nhuận và hoạt động từ thiện thuộc Viện Đô thị ở Washington nhận xét cách làm từ thiện của bà Scott là "chống chủ nghĩa gia trưởng".
Bà đã làm đảo lộn mô hình hoạt động từ thiện truyền thống vì các yếu tố: số tiền làm từ thiện quá lớn đối với một cá nhân, phương thức hoạt động từ thiện khác biệt và tốc độ làm từ thiện rất nhanh chóng. Bà chủ trương phân phối nhanh số tiền lớn cho nhiều tổ chức thay vì thông qua các quỹ từ thiện hoặc các phương pháp truyền thống khác.
Bà giải thích triết lý của bà là làm từ thiện "không theo yêu cầu, mang tính bất ngờ, được trao với niềm tin và không kèm điều kiện ràng buộc".
Các tổ chức tùy nghi sử dụng tiền tài trợ theo cách thích hợp nhất và chỉ cần gửi một báo cáo ngắn hằng năm. Bà không lập quỹ từ thiện mang tên mình, không lập trang web quảng bá rầm rộ kết quả từ thiện, không hề có văn phòng từ thiện, thậm chí không có cả địa chỉ nhận thư.
Thay vào đó bà có đội ngũ cố vấn giúp sức và thường xuyên trao đổi công việc từ thiện với tổ chức phi lợi nhuận Bridgespan Group ở Boston (chuyên tư vấn cho các tổ chức từ thiện). Bà cho biết bà không muốn được nhận dạng với cái mác "từ thiện". Bà cũng không muốn hợp tác với "những người giàu có luôn tin rằng họ biết cách giải quyết vấn đề của người khác tốt nhất".
Theo báo The Economist, đến nay bà Scott chỉ nói đến hoạt động từ thiện của mình qua ba bài viết ngắn đăng trên blog. Ví dụ trong bài đăng ngày 15-12-2020, bà giải thích trong đợt tài trợ cuối năm 2020, êkip của bà đã sàng lọc hàng ngàn trang dữ liệu để chọn 6.490 người, sau đó tiếp xúc với họ, nghiên cứu sâu 822 trường hợp rồi cuối cùng chốt lại 384 tổ chức nhận tài trợ.
Trong đại dịch COVID-19, bà đã trở thành một trong các nhà từ thiện rộng rãi nhất. Bà đánh giá: "Đại dịch COVID-19 là phát súng thần công bắn vào cuộc sống của những người Mỹ vốn đã khó khăn.
Thiệt hại về kinh tế và sức khỏe còn tồi tệ hơn đối với tầng lớp phụ nữ, người da màu và người sống trong cảnh nghèo đói. Trong khi đó, đại dịch đã làm gia tăng đáng kể tài sản của các nhà tỉ phú". Tạp chí Forbes đã vinh danh bà là người phụ nữ quyền lực nhất năm 2021.
Tạp chí The Economist đánh giá do chọn cách làm từ thiện kín đáo, nữ tỉ phú MacKenzie Scott đã bỏ qua vấn đề minh bạch.
Bà làm từ thiện với tư cách cá nhân chứ không thông qua một quỹ từ thiện nào, do đó bà không phải báo cáo tiền bạc như quỹ từ thiện. GS Rob Reich tại Đại học Stanford ghi nhận tình trạng làm từ thiện thiếu minh bạch như thế rất hiếm xảy ra ở các nhà tài trợ lớn và điều đó không tốt.
Sau khi bị chỉ trích, bà Scott cho biết êkip của bà đang chia sẻ thông tin chi tiết về hai năm làm từ thiện và bà dự kiến lập một cơ sở dữ liệu về hoạt động từ thiện để mọi người cùng tham khảo.
********
Tỉ phú Charles Munger đóng góp tiền xây dựng ký túc xá không cửa sổ và đòi phải giữ thiết kế của ông. Một số nhà giàu làm từ thiện trái tính trái nết như vậy.
>> Kỳ tới: Vì sao nhà giàu làm từ thiện?
TTO - Các nhà tài trợ tham gia sáng kiến 'Cam kết cho đi' chủ yếu là nam giới, người da trắng và cư trú tại Mỹ. Đến cuối năm 2021, sáng kiến 'Cam kết cho đi' đã quy tụ 231 nhà tài trợ từ 34-98 tuổi ở 28 quốc gia.