Tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch ở TP.HCM ngày 10-1, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thông tin khoảng 7.500 học sinh đã chuyển trường về quê học tập.
Cha mẹ về quê, con về theo
Anh Nguyễn Văn Kiên tạm trú huyện Bình Chánh ngậm ngùi tạm biệt vợ và hai con. Sau thời gian cố gắng bám trụ TP, anh Kiên quyết định đưa vợ con về Thanh Hóa sinh sống, học tập.
Theo tính toán của anh Kiên, vợ con anh về quê trước, còn anh nán lại để chờ thưởng Tết rồi về sống hẳn ở quê. Cậu con trai đang học lớp 4 của anh cũng được chuyển về quê học tập.
Anh Kiên nói: “Ở quê, hiện tại, điều kiện sống và học tập cũng đã tốt hơn trước. Con trai tôi cũng còn nhỏ, dễ hòa nhập cuộc sống ở quê”.
Vợ chồng đều đi làm, không ai trông con, cho nên chị Hồng gửi con gái về ngoại. Ảnh: NGỌC LÀI
Chị Hà Thị Hồng ngụ quận Bình Tân, cũng bấm bụng chuyển con gái về học tập. Con gái của chị Hồng đang học lớp ba. Mỗi ngày, hai vợ chồng chị đều phải đi làm, con gái học online không có người kèm cặp.
“Vợ chồng tôi quyết định cho bé về quê ở Quảng Trị để người thân nuôi nấng và trông coi việc học. Về lâu dài, chúng tôi cũng định về quê sống cho nên gửi con về trước cho tiện. Dịch cũng phức tạp, nếu mình trụ không nổi thì đi về nhanh, không phải đùm túm con cái” – chị Hồng tâm sự.
Tác động của làn sóng hồi hương
Cũng tại buổi họp báo ngày 10-1, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP cho biết học sinh chuyển trường phần lớn là con của công nhân, người lao động tự do. Nguyên nhân chính dẫn đến việc chuyển trường bao gồm: Thời gian học trực tuyến kéo dài mà phụ huynh vẫn phải đi làm cho nên đành gửi con quê, tác động của làn sóng hồi hương.
Phân tích về tình trạng này, PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), cho biết việc phụ huynh chuyển con từ TP về quê học có nguyên nhân từ nhiều phía.
Trong đó việc học online kéo dài là một phần nguyên nhân. Tuy nhiên, học online cũng chỉ là hệ quả. Nguyên nhân tác động lớn nhất là cuộc hồi hương vào tháng 10-2021.
Để an tâm làm việc, nhiều người chọn cách gửi con về quê. Ảnh: NGỌC LÀI
“Ở cuộc hồi hương vừa rồi, nhiều người nói về quê để sắp xếp việc gia đình, trong đó có chuyện con cái, cha mẹ già. Có lẽ, trong cuộc di cư ngắn hạn sắp tới, người lao động có sức khỏe mới tiếp tục trở lại TP mưu sinh, còn những người phụ thuộc (cha mẹ già, con cái) thì phải ở lại quê nhà. Dịch bệnh đưa nhiều người vào thế phải tiết kiệm chi tiêu trong đó có các chi phí ăn ở, học tập của con cái... Các khảo sát gần đây của Social Life cho thấy rằng tiết kiệm chi tiêu và sắp xếp lại các khoản chi là một trong các giải pháp cầm cự của người dân” – ông Lộc phân tích.
Cũng theo ông Lộc, trong xu hướng phải tiết kiệm, việc đưa con về quê học tập là cách giảm chi tiêu. Điều kiện, chi phí học tập ở quê cũng thấp hơn thành thị. Ngoài ra, việc gửi con về quê nhà cho họ cảm giác an toàn hơn.
Nói về việc trẻ có thể bị ảnh hưởng khi thay đổi môi trường sống và học tập, ông Lộc phân tích: Trẻ em bậc tiểu học có sự thích ứng khá tốt, chỉ những trẻ bậc THCS, THPT có mối tương quan bạn bè mới cảm nhận rõ sự mất mát khi rời đi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trẻ vẫn có thể giữ liên lạc với nhau nhờ các nền tảng xã hội.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng việc chuyển con về quê học tập của người dân có thể xem như là một cách sắp xếp rất tự nhiên. Ảnh: NVCC
Theo ông Lộc, mặc dù làn sóng hồi hương khiến nhiều người hoang mang nhưng nếu bình tĩnh hơn, chúng ta sẽ thấy đây là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế, xã hội. Trước đây, người ta rời quê ra thành thị, mang theo cả con cái, bỏ mặc ruộng đất, người già ở nông thôn. Từ đó dẫn đến một khoảng chênh lệch về mặt dân cư ở vùng nông thôn. Dân cư ở đây rất vắng vẻ, đất đai ruộng vườn ở quê không người canh tác.
Như vậy, cuộc hồi hương lần này nói chung và việc chuyển con về quê học tập của người dân có thể xem như là một cách sắp xếp rất tự nhiên. Đây là một cơ hội để phát triển đồng đều ở các khu vực.