Không khí buổi giao lưu ra mắt sách - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Quyển sách Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp do nhóm thân hữu Trần Văn Khê và Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp gồm 58 bài viết của 50 tác giả là các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, môn sinh như Trần Quang Hải, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Nhã, Dương Trung Quốc, Kim Cương, Bạch Tuyết, Nguyễn Thế Thanh, Nguyễn Thị Hải Phượng, Trần Đình Sơn, Mai Mỹ Duyên, Lam Điền, Lê Quý Dương, Thanh Hiệp, Nguyễn Đông Thức, Lê Ngọc Hân…
Bìa sách "Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp" - Ảnh: BTC
Theo nhà báo Nguyễn Thế Thanh, ngoài các bài viết lấy từ sách đã in năm 2016, quyển sách này còn tập hợp các bài viết, hình ảnh, tư liệu mới, làm đầy đặn thêm tình cảm của các nhà hoạt động văn hóa dành cho giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê.
Sách Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp dày 360 trang, được chia thành hai phần gồm: Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp; Di sản Trần Văn Khê, phụ lục Lời chia tay với một người hiền.
Các bài viết trong sách lột tả nhiều khía cạnh trong mọi mặt đời sống, nghệ thuật của ông. Đó là một nghệ sĩ uyên bác, tài năng, khiêm nhường, rất yêu văn hóa dân tộc.
Từ trái qua: Nhà báo Thanh Hiệp, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên chia sẻ về sách - Ảnh: PHƯƠNG NAM
"Việc tiếp theo của nhóm thân hữu Trần Văn Khê là tiếp tục cùng các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, môn sinh, những người quan tâm đến văn hóa dân tộc... làm sao phát huy được nhiều hơn nữa giá trị quý báu của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Một trong những hoạt động chúng tôi quan tâm là tổ chức biểu diễn định kỳ các tác phẩm đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam, giới thiệu đến bạn bè thế giới..." - bà Nguyễn Thế Thanh cho biết.
Tại buổi ra mắt sách, NSND Kim Cương, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, tiến sĩ văn hóa Hồ Tường... chia sẻ những kỷ niệm khó quên với giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê, những bài học quý giá học được từ ông trong việc nghiên cứu, giảng dạy và cuộc sống thường nhật.
NSND Kim Cương chia sẻ những kỷ niệm khó quên về giáo sư Trần Văn Khê
Cũng trong sáng nay, các đại biểu, khách mời và người tham dự buổi ra mắt sách Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp đã thực hiện nghi thức tưởng nhớ giáo sư Trần Quang Hải - con trai trưởng của giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê. Ông đã ra đi, không kịp chờ đến ngày ra mắt sách gây quỹ học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê.
Có 2 độc giả đầu tiên đã đóng góp 52 triệu đồng cho quỹ học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê trong buổi ra mắt sách.
Trước đó, ngày 23-12, tại Trường đại học Văn Lang, Quỹ học bổng Trần Văn Khê chính thức ra mắt nhân lễ kỷ niệm 100 năm sinh của giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê.
Quỹ này được thành lập theo di nguyện giáo sư Trần Văn Khê, nhằm kịp thời động viên, khuyến khích những người theo đuổi hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và học tập âm nhạc dân tộc.
Một góc triển lãm chuyên đề về giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Từ ngày 23-11-2021, Bảo tàng TP.HCM tổ chức trưng bày chuyên đề "Trần Văn Khê - Trăm năm còn mãi" giới thiệu hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê nhân kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam.
Nội dung trưng bày chuyên đề gồm 3 phần: Quê hương và gia đình, Trần Văn Khê - Một đời truyền lửa và Vinh danh. Hoạt động này nhằm thể hiện sự trân trọng, đồng thời tôn vinh những đóng góp của giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê cho nền âm nhạc Việt Nam.
TTO - Sáng 23-12, tại Trường đại học Văn Lang (quận Bình Thạnh, TP.HCM), Quỹ học bổng Trần Văn Khê chính thức được ra mắt nhân kỷ niệm 100 năm sinh giáo sư Trần Văn Khê.