Xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) được biết đến với nghề rèn các loại dao kéo, nông cụ từ nhíp ô tô. Người Phúc Sen tự hào vì những sản phẩm họ làm ra có tuổi thọ ít nhất 20 năm, với phương pháp thủ công nhưng chất lượng thì khó có làng rèn nào sánh bằng. Những người Nùng An nơi đây, thậm chí cả một đời đi rừng vẫn chưa phải thay dao.
Trong các bản làng Phúc Sen, hầu như nhà nào cũng có bễ than, lò rèn. Trước là phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của gia đình. Dần dần, chất lượng khiến danh tiếng “dao Phúc Sen” vang xa, các hộ còn sản xuất phục vụ nhu cầu của các địa phương lân cận, và bây giờ - là nhu cầu của cả nước. Dao kéo, nông cụ Phúc Sen đặc biệt không chỉ bởi nguyên liệu là nhíp ô tô, loại vật liệu vừa có độ dẻo khi chế tác, vừa có độ rắn, bền cao khi đưa vào sử dụng.
Trẻ con Phúc Sen lớn lên cùng bếp lửa, cùng tiếng đe, tiếng búa của các ông bố bà mẹ. Chúng chạy nhảy, vui chơi trong bản cùng những âm thanh chan chát ấy. Song, như anh Long Văn Quân chia sẻ, mỗi người phải mất không dưới 3 năm vừa làm, vừa học mới có thể trở thành “tay thợ” đạt những tiêu chuẩn của nghề rèn.
Nắm bắt xu thế, nhu cầu cũng như thấy được cái tiện lợi của giao thông, rất nhiều hộ đã chuyển từ trong bản ra ven đường quốc lộ để vừa sản xuất, vừa bán hàng. Đặc biệt là phục vụ khách du lịch khi họ đi từ TP. Cao Bằng lên thác Bản Giốc.
Những người Nùng An ở Phúc Sen, lúc mùa vụ, họ là những nông dân chân chỉ hạt bột gắn với ruộng nương. Nhưng rời nương rẫy vào lò rèn, họ là những tay thợ khéo léo, tinh tế: Mắt nhìn màu kim loại là biết đã đủ nhiệt để nện đe, đập búa hay chưa; tay đập cũng “biết” điều chỉnh lực để từ thanh nhíp thành sản phẩm đạt được độ rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm. Và đặc biệt, chỉ cần liếc mắt trên lưỡi hay sống dao là đã biết dao đủ độ sắc bén hay chưa.
Khoảng 10 năm trước, hợp tác xã đầu tiên ra đời, giúp bà con Phúc Sen giữ gìn chất lượng cũng như đưa các sản phẩm thực sự của Phúc Sen đến tay người tiêu dùng. Bấy giờ, việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm vẫn theo cách truyền thống. Nhưng chính nhờ việc có sự “định danh” ấy cho dao Phúc Sen mà có những năm sản phẩm của Phúc Sen được thương lái Thái Lan, Trung Quốc, Lào… tìm mua.
Sản phẩm của Hợp tác xã Dao Phúc Sen trên sàn thương mại điện tử Tiki |
Song đại dịch COVID-19 xuất hiện, tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm của Phúc Sen. Các hợp tác xã đã mày mò, tìm hiểu để đưa sản phẩm của làng rèn Phúc Sen lên các sàn thương mại điện tử. Nông hộ thì tận dụng kênh bán hàng qua facebook. Riêng Hợp tác xã Dao Phúc Sen, sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Sendo, Shopee… Nhờ thế, làng nghề truyền thống nổi tiếng của người Nùng An này vẫn duy trì được nhịp sản xuất như trước khi xuất hiện đại dịch.
Gia đình ông Nông Văn Luyến đã có 5 đời theo nghề rèn. Thế hệ ông, một thợ lành nghề mỗi ngày chỉ rèn được 1-2 con dao. Việc tiêu thụ chủ yếu trông vào các phiên chợ - người Phúc Sen “cõng” dao đi khắp các chợ phiên trong và ngoài huyện để bán. Nhưng đến nay, thế hệ con cháu ông có thêm sự hỗ trợ của máy dập, máy mài, năng suất đã tăng lên nhiều. Nhờ mạng xã hội, con cháu ông còn có thể ngồi bên bễ rèn giữa bản mà vẫn bán được các loại sản phẩm dao, kéo, rìu…
6/10 bản của Phúc Sen - với khoảng 200 hộ, hơn 500 tay thợ đang làm nghề rèn. Chủ nhiệm Hợp tác xã Dao Phúc Sen, ông Ma Văn Ngọc cho biết, nhờ các sàn thương mại điện tử cũng như mạng xã hội, cả hợp tác xã cũng như các nông hộ nhận đơn hàng dồn dập - đặc biệt những ngày cận Tết, các lò rèn rực lửa từ lúc gà gáy sáng đến tối mịt mà nhiều khi vẫn "cháy" hàng.
Minh Tâm