Hung thủ thay tên, tuổi nhiều lần trong hơn 40 năm
Gia đình anh Võ Ngọc, con trai ông Võ Tê (đã mất, ngụ tại thôn 3, xã Tân Minh (nay là xã Tân Phúc) huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận )) chia sẻ với báo giới việc, cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Tê không cấu thành tội phạm.
Công an đã đình chỉ điều tra bị can với ông Tê, liên quan vụ án sát hại bà Phan Thị Khanh (SN 1954, lúc đó 26 tuổi), cướp tài sản, xảy ra ngày 31/7/1980, ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân.
Đại tá Phạm Thật (Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận) thông tin trên tờ Pháp luật TP.HCM, Công an tỉnh đã bắt giữ hung thủ của vụ án là Trương Đình Chi (tức Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn - SN 1956) tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
"Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đủ căn cứ kết luận hành vi giết người, cướp tài sản của Trương Đình Chi. Kết luận giám định xác định Trương Đình Chi, Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn là một người", Đại tá Thật trả lời báo Pháp luật TP.HCM, đồng thời cho biết, cơ quan điều tra đã cho gia đình bảo lãnh Chi theo qui định của pháp luật.
Theo thuật lại của PV Phương Nam trên Pháp luật TP.HCM, khi bị bắt vào tháng 11/2021, đối tượng Chi do lo sợ quá mà uống nhầm thuốc, nhưng tính mạng không nguy hiểm.
Tờ Tuổi trẻ online ghi nhận, kết quả điều tra xác định Trương Đình Chi (tức Mười Chi) đã phạm tội giết người và cướp tài sản với nạn nhân Phan Thị Khanh. Thế nhưng, Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định thời hiệu xử lý đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 20 năm, vụ án này xảy ra hơn 41 năm và đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Công an tỉnh Bình Thuận đã ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự này, đồng thời đình chỉ điều tra bị can với ông Võ Tê.
Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận - Thượng tá Vũ Xuân Tiếu cũng xác nhận trên VnExpress việc đã hết thời hiệu xử lý đối tượng Chi. Công an tỉnh sẽ tiến hành các bước xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho gia đình ông Tê.
Nhiều người nghi ngờ Chi khi vụ án mới xảy ra
Ông Tê bị bắt tạm giam oan từ ngày 1/8/1980 và được thả ngày 30/12/1980. Ông qua đời năm 1994 do bị bệnh - và vẫn mang thân phận bị can.
Theo thuật lại của Tuổi trẻ online, khi ông Tê bị bắt giam, nhiều người dân ở xã Tân Minh đã hướng nghi vấn tới ông Trương Đình Khôi (tức Trương Đình Chi, sinh năm 1956, ngụ thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân), bởi ông này có nhiều dấu hiệu bất thường.
Chi chính là anh cọc chèo của ông Phan Thanh (em ruột nạn nhân Phan Thị Khanh). Vào tháng 7/1980, Thanh đã cho vợ chồng Chi ở nhờ vì lúc ấy Chi chuyển từ tỉnh Hậu Giang cũ (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) đến huyện Hàm Tân, nhưng không có nhà hay tài sản gì.
Ngày vụ án xảy ra là 31/7/1980, thì chỉ 2 hôm sau, vợ chồng Chi đánh tiếng với hàng xóm là đưa con đi Cam Ranh, nhưng sau đó họ không đi, mà về lại xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang cũ (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng). Đây là nơi vợ chồng Chi lập nghiệp trước khi đến Tân Minh, Hàm Tân.
Tờ Tuổi trẻ dẫn báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận nêu tình tiết, ông Phan Đình Bảo (người từng ở Hậu Giang với gia đình Chi) đã thấy vợ chồng Chi rì rầm nói chuyện rất đáng ngờ, ngồi tính tiền và nữ trang.
Chưa hết, vợ chồng Chi có tiếng là nghèo, nhưng bỗng dưng giàu lên trông thấy. Mua được cả chiếc xuồng trị giá 1.400 đồng để làm ăn. Trong khi lúc ấy lương hiệu phó một trường liên cấp I, II chỉ khoảng 45 đồng/tháng.
Cũng theo Tuổi trẻ, điều tra viên đến Hậu Giang làm việc với ông Chi, thu giữ chứng minh thư và hẹn hôm sau trở lại làm việc tiếp, nhưng đối tượng này đã dẫn gia đình bỏ trốn.
Chi sau đó thay tên đổi họ thành Lê Minh Sơn (ngày sinh 10/11/1954), nhập khẩu vào nhà cha vợ ở tỉnh Bình Định. Thậm chí, vợ của Chi cũng thay tên (không đổi họ).
Công an khi được báo tin đã cử điều tra viên đến làm việc với Sơn (Chi) ở Bình Định, nhưng Sơn tiếp tục biến mất bí ẩn.
Điều tra viên: Tôi rất ân hận vì sai sót của mình
Ông Nguyễn Sỹ Nam (điều tra viên vụ sát hại bà Phan Thị Khanh) chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, vụ án đã hơn 40 năm nhưng ông luôn canh cánh trong lòng, vì đã thiếu trách nhiệm, không trả lại công lý cho những người phải chịu nỗi mất mát.
Nguồn trên thuật lại, ông Nam chính là người trực tiếp đi Hậu Giang truy xét nghi can và Trương Đình Chi. Theo lời ông Nam, lúc đó ông đã đề xuất miệng bắt giữ nghi can, nhưng lãnh đạo không đồng ý vì chứng cứ còn rất non. Theo yêu cầu, trước mắt phải lấy lời khai nghi can đối chứng với nhân chứng, xác định lý do vợ chồng nghi can bất ngờ rời đi sau vụ án mạng; xác định số vàng bị mất...
"Đáng nói Trương Đình Chi chính là người đi báo án, nhưng khi thấy lực lượng cảnh sát tập trung đông ở xung quanh hiện trường đã vội rời khỏi Tân Minh.
Thời điểm trên, điều tra hình sự thực hiện theo các sắc lệnh, việc giữ người đơn giản hơn nhưng trước khi thực hiện phải xác minh, củng cố hồ sơ là bước đi cẩn trọng của cơ quan điều tra", báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Nguyễn Sỹ Nam.
Ông Nam kể trên Tuổi trẻ online, năm tham gia vụ án này ông mới 24 tuổi. Ông gặp được Chi buổi tối hôm trước, thì sáng hôm sau tên này bỏ trốn mất. Có thể, Chi nhận ra ông chính là điều tra viên trong vụ án giết bà Phan Thị Khanh nên tẩu thoát.
"Từ trong thâm tâm tôi rất ray rứt với vụ án mạng của bà Khanh. Dù chưa hỏi được Trương Đình Khôi câu nào nhưng tôi thấy có căn cứ hắn chính là thủ phạm giết bà Khanh.
Sau này, An (Đỗ Thanh An, con bà Khanh) có đến tìm gặp tôi, khi tôi biết An không dám lấy vợ sinh con, dành cả cuộc đời để đi tìm kẻ giết mẹ mình thì tôi cảm thấy rất ân hận vì sai sót của mình", ông Nam tâm sự trên Tuổi trẻ.
(Tổng hợp)
https://soha.vn/hung-thu-thuc-su-cua-vu-giet-nguoi-42-nam-truoc-bi-bat-nhung-da-het-thoi-hieu-truy-cuu-20220115153709397.htmPV
Doanh nghiệp tiếp thị