Sốc với giá thực tế
Người Đưa Tin đã phản ánh về việc hàng nghìn xe container nông sản bị kẹt ở Lạng Sơn phải chịu chi “tiền luật” cho các “nhà luật” với số tiền lớn 10-30 triệu đồng mỗi xe nếu muốn hoàn tất các thủ tục thông quan.
Điều này đã gây bức xúc cho các tài xế, chủ hàng vì số tiền này thu không hóa đơn chứng từ, trong khi họ đã phải chịu rất nhiều thiệt hại vì tắc biên, nông sản hư hỏng, chi phí ăn ở, sinh hoạt đắt đỏ.
Phóng viên đã liên hệ với lực lượng hải quan tỉnh Lạng Sơn, đơn vị quản lý bến bãi để tìm hiểu về chi phí thực tế một xe container nông sản phải trả khi thông quan sang biên giới Trung Quốc.
Trước thông tin phản ánh về các “nhà luật”, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Chi Cục Trưởng, Chi cục Hải quan Hữu Nghị cho hay, về phía hải quan khẳng định là không có “nhà luật” đứng ra thu tiền, cũng không nắm được các hoạt động thu tiền như phản ánh. Nếu có đơn vị này sẽ kiểm tra, xác minh và phục vụ cho công tác quản lý nội bộ của Chi cục.
Về chi phí thực tế, ông Nghĩa cho biết, với các xe hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc thì doanh nghiệp phải có tờ khai hải quan, lệ phí là 20 nghìn đồng. Ngoài ra, phải nộp phí của tỉnh Lạng Sơn, phí sử dụng kết cấu hạ tầng là 800 nghìn đồng/container.
Về thuế xuất khẩu, thì với hàng nông sản hiện nay không phải chịu thuế xuất khẩu nên doanh nghiệp không phải nộp bất kỳ một khoản thuế nào. Còn phí của bãi xe Xuân Cương do công ty Xuân Cương thu, các chi phí tài xế trung chuyển cũng do Công Ty Xuân Cương quản lý.
Công ty quản lý bến bãi nói gì?
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với Công ty Xuân Cương. Theo đó, bà Nguyễn Thị My Hương - Phó TGĐ công ty Xuân Cương cũng khẳng định, công ty này không hề liên quan đến các “nhà luật”.
Đối với xe hàng xuất khẩu thì Công ty Xuân Cương chỉ thu tiền bến bãi, với xe hàng xuất thẳng thì phí bến bãi cũng thu theo biểu giá quy định của tỉnh.
Cụ thể, theo bà Hương, tiền phí sau 24 giờ đầu tiên là 200 nghìn đồng/container, có phát sinh phí lưu đêm nhưng ở trong bãi xe Xuân Cương thì không có phát sinh chi phí gì khác. Lái xe chuyên trách là tự thỏa thuận giá với chủ hàng. Xuân Cương không can thiệp vào giá đó.
Trong thời gian qua cũng có nhiều ý kiến là giá này tăng giảm theo thị trường. Nếu tỉnh chỉ đạo công ty Xuân Cương đứng ra quản lý, đảm bảo bình ổn giá cả của đội lái xe chuyên trách thì công ty cũng sẽ thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh.
Theo bà Hương, đa số các xe hàng xuất nông sản đi Trung Quốc sẽ đổ hàng bên kia biên giới, nên các container hàng nông sản thường không lưu đêm trong bãi xe Xuân Cương.
Như vậy, tại cửa khẩu Hữu Nghị có 4 lực lượng của nhà nước là Hải Quan, Ban Kinh tế cửa khẩu, Biên phòng và kiểm dịch; một công ty tư nhân quản lý bến bãi là công ty Xuân Cương. Tổng chi phí thủ tục cho một container nông sản xuất hàng đi Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị là 1.220.000 đồng.
Công an vào cuộc xác minh hiện tượng “làm luật”
Tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng, ngày 11/1, Người Đưa Tin nhận được câu trả lời của ông Hoàng Khánh Duy – Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn: “Trước tình hình ùn ứ hàng hóa, BQL thấy rằng, có bộ phận, cá nhân làm dịch vụ xuất khẩu hàng hóa đã lợi để trục lợi. Nếu các chủ hàng và tài xế làm việc với các đơn vị đại lý hải quan uy tín thì không xảy ra tình trạng “làm luật” ở cửa khẩu. Tuy nhiên đây là con số rất ít, không có nhiều”.
Ông Duy cũng cho hay, mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản chỉ đạo, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin về các “nhà luật”. Kết quả sẽ được báo cáo UBND tỉnh.. Nếu phát hiện những trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định.
“Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Hải quan, Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các cơ quan liên quan thường xuyên thông tin khuyến cáo đến các chủ hàng và lái xe khi đưa hàng hóa vào làm thủ tục xuất nhập khẩu phải lựa chọn đại lý hải quan và các tổ chức cung ứng dịch vụ xuất nhập khẩu uy tín, chuyên nghiệp để tránh bị lợi dụng và trục lợi”, vị Phó BQL Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết.
Ngày 14/1, Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về hành vi đưa và nhận hối lộ liên quan đến vụ dàn xếp ưu tiên cho xe hàng xuất khẩu qua biên giới Lạng Sơn với giá 200 - 300 triệu đồng/xe.
Cụ thể, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành bắt tạm giam, khởi tố bị can Lâm Văn Hưởng (39 tuổi), Nông Tuấn Anh (30 tuổi), cả hai đều là cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn), về hành vi nhận hối lộ và Đinh Văn Thìn (44 tuổi, ở TP Lạng Sơn) về hành vi đưa hối lộ.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định các cá nhân này lợi dụng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để thực hiện hành vi nhận hối lộ nhằm sắp xếp cho các phương tiện được lên khu vực cửa khẩu không đúng quy định.