Gà trống luộc cúng rước ông bà ngày 30 Tết
Vài mươi năm trước vào cuối tháng chạp khi lúa mùa trên ruộng đồng đã gặt xong, buổi sáng xuất hiện vài cơn gió bấc tràn về mang theo tiết trời lạnh se se của phương Bắc, thời điểm đó cũng vào mùa bà con mình chuẩn bị tát đìa bắt cá ăn Tết.
Tát đìa bắt cá, nướng trui
Đìa là chỗ ruộng trũng người ta đào càng rộng càng sâu càng tốt để khi ruộng cạn nước thì cá rút hết vào trong đìa. Còn bây giờ, kệ tháng này ngày nọ nếu người ta rảnh rỗi là rủ nhau dùng máy bơm nước tát đìa không cần thời vụ hay mùa màng gì cả.
Sáng ngày tát đìa, ba tôi - người chủ đìa - chuẩn bị các vật dụng cần thiết như: máy xăng để bơm nước, sửa lại dây cái gàu dai, đóng lại cái thang cái gàu sòng cho chắc, mấy cái lu lớn cái khạp to hai, ba cái thùng phuy để đựng cá bắt bỏ vào rộng nước.
Và chiều hôm trước ba tôi không quên gọi rủ cánh đàn ông trai tráng xóm giềng tát cá phụ.
Khi tiếng gà gáy rộ lên, chân trời phía đông vừa rựng màu đỏ thì mọi người đã tề tựu đầy đủ bên đìa, họ tự phân công việc với nhau. Đàn ông khỏe có sức dẻo dai thay phiên nhau tát nước bằng gàu dai, múc nước bằng gàu sòng.
Mặt trời mọc lên cỡ một sào thì nước trong đìa cạn. Lúc này trên bờ mọi người đã nhìn thấy cá quẫy đuôi chạy tứ tung. Trên sồng tát cá vài người phụ nữ dùng cái rổ lớn hứng cá con, cá sặc bị gàu tát múc lên.
Chủ đìa đã chuẩn bị bữa cơm trưa cho mọi người ăn no bụng rồi chuẩn bị lội xuống đìa bắt cá. Người bắt cá công cho chủ nhà thường đi bắt trước. Họ nhanh tay gạt lớp bùn hay cắt lớp cỏ bên mép bờ đìa đã thấy xuất hiện cá rô, cá trê nằm sắp lớp trông thấy mê hồn; còn cá tràu, cá lóc thì chui sâu vào hòm.
Hòm thường nằm dưới gốc cây dứa gai, người bắt cá phải dùng cuốc, rựa đào cho miệng rộng ra để chui cả người vào bắt cá, con cá to nào thoát ra thì có nhiều người bắt hôi lướt tới giành giựt rất vui. Người dùng tay kẻ dùng nơm giành nhau bắt cho kỳ được.
Trên bờ vài người dùng chĩa xôm lươn, bắt ếch có khi bắt được con ếch lớn đưa lên cho mọi người xem và nói to: "Con ếch này đem về cho nó xay lúa" (ý nói nó lớn quá!) xay xong giạ lúa làm thịt nấu chua nhậu hết bình rượu đế cũng còn mồi.
Cá lóc nướng trui
Không khí náo nhiệt hồ hởi, mình mẩy ai cũng lấm lem đầy bùn sình chỉ còn chừa hai con mắt, ai nấy trườn bò trên lớp bùn nhão cố bắt cho được con cá to để khoe. Mặt trời đứng bóng là mọi người đã bắt cá xong.
Sau khi chủ đìa dành cho mình phần cá riêng, sẽ xem có bao nhiêu người phụ bắt cá, chủ đìa dùng cuốc đào bấy nhiêu lỗ xuống ruộng rồi mang tất cả cá còn lại chia đều xem như ai cũng có phần mà không kể thiệt thua.
Có một điều gần như có truyền thống rất hay, là trước khi chia cá chủ đìa thường nướng con cá lóc lớn nhất để cúng "ông đồng, bà đìa" người có công khai phá ruộng nương, đồng thời nướng trui một số cá để mọi người cùng thưởng thức uống rượu chia vui.
Cá tràu, cá trê, cá rô xỏ đầu vào nhánh trúc cắm xuống đất chất rơm lên đốt lửa nướng, khi rơm tàn lửa chờ chừng năm phút cho cá chín đều lấy cá ra dùng cọng rơm xếp đôi cạo lớp vảy cháy đen rồi bày cá trên cái lá sen, ai thích ăn con cá nào thì cầm nguyên con cá đó lên xé ra chấm với muối ớt, rau sẵn có ngoài đồng gồm có rau muống, cây kèo nèo, lá lụa…
Ăn cá nướng kèm rau sống ngon lành còn khề khà uống kèm ly rượu đế mà nói chuyện rôm rả thì vui thú nhất trên đời có gì bằng.
Nhưng chuyện tát đìa bắt cá chuẩn bị ăn Tết tôi kể trên chỉ xuất hiện đã trên ba mươi năm, giờ cuối tháng chạp, mùa tát đìa bắt cá chuẩn bị sẵn mấy con cá lóc bằng cổ tay để ngày 30 nướng trui cúng rước ông bà về ăn Tết Nguyên đán chỉ còn hiện hữu trong ký ức mà thôi.
Gà xé phay chuẩn bị trộn rau răm
Và gà trống xé phay
Trưa 30 Tết, từ hồi ba má tôi còn sống cách đây hơn 25 năm cho đến nay tôi gần 60 tuổi, năm nào cũng vậy gia đình tôi luôn chuẩn bị mâm cơm thật tươm tất để cúng rước ông bà về sum họp ăn Tết cho ấm cúng với con cháu.
Trên bàn đủ món ăn, có món được bày biện ra nhưng có một món từ xưa cho đến nay không thể nào thiếu, đó là con gà trống luộc thật mập, thịt rắn chắc. Thêm cháo nấu lúc luộc gà, cháo chín vớt gà ra dĩa con gà tréo hai cẳng, đầu cho gọn mang lên bàn cúng, nêm gia vị cho cháo vừa ăn.
Gà luộc bày cúng xong đem ra dùng tay xé thịt nhuyễn đựng trong cái thau, nêm chút ít bột ngọt, lá rau răm trộn đều lên chung với thịt. Khi ăn cháo người ta thường chấm thịt gà xé phay với muối ớt đã được đâm nhuyễn từ muối hột (lạ một điều thường chỉ có muối hột mới có vị ngon) cùng ớt chín.
Tùy theo khẩu vị của vùng miền mà người ta có cách trộn thịt gà với các loại rau khác nhau để có hương vị đặc trưng riêng. Người miền Nam thường thích ăn thịt gà xé phay trộn với rau răm bởi kiểu này mới có cảm giác ngon, đậm đà vị thịt ngọt của gà, vị cay cay của rau răm cộng với cay của muối ớt.
Còn thịt gà chặt từng miếng to cỡ hai ngón tay được ăn kèm với lá chanh, thịt gà chấm muối tiêu có nặn thêm chút nước cốt chanh thường chỉ có người ngoài miền Bắc thích dùng.
Nói gì thì nói, quanh năm suốt tháng thỉnh thoảng người ta vẫn ăn món cháo gà. 30 Tết thì nhiều món ăn ngon nhưng với tôi có lẽ trên đời này món cháo gà luộc xé phay bóp, trộn với rau răm chấm với muối ớt cay ăn là tuyệt vời nhất.
Lấy muỗng múc cháo đưa lên húp, gắp nhai miếng thịt ngon thơm lừng sẽ cảm nhận thấy được hương vị đậm đà của ngày Tết.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TTO - Báo Tuổi Trẻ tiếp tục tổ chức diễn đàn 'Tết xưa - Tết nay', một sân chơi mùa Tết - nơi bạn đọc gửi đến những câu chuyện, cảm xúc, suy nghĩ về Tết. Bạn đọc gửi email kể câu chuyện của mình đến tet@tuoitre.com.vn, bài được đăng sẽ có nhuận bút.
Xem thêm: mth.33893449161102202-tet-iv-gnouh-ad-mad-am-ad-nad-nom-yahp-ex-coul-ag-iurt-gnoun-col-ac/nv.ertiout