vĐồng tin tức tài chính 365

Cánh cửa quá hẹp cho Ukraine gia nhập NATO

2022-01-17 05:40

Các phiên đối thoại căng thẳng hồi tuần qua giữa Mỹ, Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về an ninh châu Âu và đặc biệt là vấn đề Ukraine đã cho thấy rất rõ là dù Mỹ và phương Tây nhiều lần khẳng định sẽ không cho phép Nga dập tắt hy vọng gia nhập NATO của Ukraine, họ hiện cũng không có bất kỳ kế hoạch nào nhằm đưa quốc gia này vào khối.

Hãng tin AFP ngày 16-1 dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết ông Volodymyr Zelenskiy vừa đề xuất tổ chức đối thoại ba bên với Mỹ, Nga trong thời gian tới để giải quyết căng thẳng ngày càng tăng do Nga vẫn chưa rút quân ở khu vực biên giới hai nước.  

Quan điểm của ông Biden về Ukraine vào NATO

Theo tờ The New York Times, quyết định kết nạp một thành viên mới vào khối phải đạt được đồng thuận của tất cả thành viên NATO; Pháp và Đức từng phản đối đưa Ukraine vào khối, trong khi các thành viên châu Âu khác cũng tỏ ra thận trọng. Nếu Ukraine gia nhập NATO, liên minh này có nghĩa vụ bảo vệ họ trước bất cứ cuộc tấn công nào - tức nếu Nga phát động chiến tranh với Ukraine thì toàn bộ NATO phải cùng tham chiến.

Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden hiện tại có cùng quan điểm với các lãnh đạo châu Âu khi không thực sự hào hứng với kế hoạch đưa Ukraine gia nhập NATO.

Sau khi Liên Xô tan rã, ông Biden khi đó là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục NATO kết nạp Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech vào cuối những năm 1990. Khi đó, ông Biden lập luận rằng việc có thêm những nước từng là đối thủ trước đây làm đồng minh sẽ đánh dấu “bình minh của 50 năm hòa bình tiếp theo” cho châu Âu. Tuy nhiên, sau 20 năm chứng kiến Mỹ và NATO sa lầy trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, ông Biden dường như đã mất đáng kể nhiệt huyết với nỗ lực mở rộng khối này, kéo theo khả năng gia nhập của Ukraine ngày càng thấp hơn bao giờ hết.

Cánh cửa quá hẹp cho Ukraine gia nhập NATO - ảnh 1
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (phải) gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) hồi tháng 10-2019. Ảnh: AP

Ngay cả vào cao trào năm 2014, khi Nga vừa sáp nhập bán đảo Crimea, ông Biden lúc đó là phó tổng thống Mỹ đã nói thẳng với giới chức Ukraine trong chuyến thăm nước này rằng những hỗ trợ quân sự từ Mỹ nếu có cũng sẽ rất hạn chế vì Washington giờ đây không có tư duy theo kiểu Chiến tranh lạnh nữa và lợi ích của Mỹ không còn bị Nga ảnh hưởng quá nhiều như trong quá khứ.

Đến tháng 6 năm ngoái, khi tiếp tục được hỏi liệu Ukraine có thể tham gia NATO không trong một cuộc phỏng vấn ở trụ sở của khối này tại Brussels (Bỉ), ông Biden vẫn thẳng thừng tuyên bố rằng “câu hỏi đó không có cơ sở”.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, giới chức Mỹ từng khuyến khích Ukraine ký một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU) thay vì cố gắng gia nhập NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc đó đã gây áp lực buộc người đồng cấp Ukraine - ông Viktor Yanukovych từ chối thỏa thuận, dẫn đến nổ ra các đợt biểu tình Euromaidan (biểu tình ủng hộ EU) ở Ukraine năm 2013, khiến ông Yanukovych cuối cùng bị lật đổ.

Ukraine không phù hợp với giá trị phương Tây

Ngoài sự ủng hộ của Mỹ, một quốc gia muốn gia nhập NATO còn phải đáp ứng một trong ba giá trị chính mà NATO theo đuổi để gia nhập là: Dân chủ, tự do cá nhân và ủng hộ nhà nước pháp quyền. Các lãnh đạo Ukraine khẳng định họ đã đạt đủ điều kiện, song phương Tây không nghĩ như vậy.

Trong báo cáo năm 2020 của tổ chức Minh bạch quốc tế về giám sát phòng chống tham nhũng, Ukraine xếp thứ 117 trong 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, thấp hơn tất cả thành viên NATO. Trong khi đó, ngoài Ukraine thì còn nhiều quốc gia châu Âu khác có nền quản trị tự do mạnh mẽ hơn, như Thụy Điển hay Phần Lan, cũng đang quan tâm tới khả năng gia nhập NATO, bất chấp nhiều năm kiên trì chính sách không liên kết.

Nhiều quan chức phương Tây cũng đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể đáp ứng bộ tiêu chí thứ hai là đóng góp vào nguyên tắc phòng vệ tập thể của NATO hay không, dù Ukraine từng gửi quân tham gia các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Afghanistan.

“Ukraine vẫn cần thực hiện thêm một số hoạt động khác. Họ đã rất quen thuộc với những điều này: Nỗ lực đẩy mạnh cải cách pháp quyền, hiện đại hóa quốc phòng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - ông Biden trao đổi với người đồng cấp Ukraine - ông Volodymyr Zelenskiy trong cuộc gặp hồi tháng 9-2021.

Thông điệp Nga đưa ra từ trước tới nay cũng rất nhất quán và rõ ràng: Ukraine không thể gia nhập NATO và nếu điều đó xảy ra, phương Tây sẽ phải đối mặt những hậu quả nghiêm trọng. Một trong những vũ khí Moscow có thể dùng để gây sức ép là năng lượng, khi rất nhiều đường ống dẫn khí đốt cho Tây Âu đi qua lãnh thổ Nga.

Bối cảnh như trên cũng dẫn tới thất bại cuối cùng cho Ukraine là nước này gần như chắc chắn không thể đáp ứng tiêu chí thứ ba để gia nhập NATO: Được tất cả 30 thành viên chấp thuận.

“Lập trường phản đối chính hiện nay là liệu thêm Ukraine làm thành viên có thực sự góp phần vào ổn định của châu Âu hay sẽ chỉ làm chồng chất thêm bất ổn. Sẽ không thể có đồng thuận giữa 30 thành viên, dù tất cả đều đồng ý rằng Ukraine có quyền mong muốn trở thành thành viên của khối” - cựu đại sứ Mỹ tại NATO Douglas Lute cho hay.•

Nga, Mỹ đã cùng đồng ý Kiev sẽ không được gia nhập NATO?

Đài RT mới đây đưa tin một nghị sĩ Quốc hội Ukraine là ông Nestor Shufrich trong một cuộc phỏng vấn với kênh Nash đã có một phát ngôn đáng chú ý về nỗ lực xin gia nhập NATO của Ukraine thời gian qua.

Cụ thể, ông cho rằng chiến dịch vận động đưa Ukraine vào NATO của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy có nguy cơ thất bại vì Mỹ và Nga đã cùng đồng ý không cho nước này gia nhập sau các phiên đối thoại vừa kết thúc.

Ông Shufrich cho biết cơ sở để ông đưa ra khẳng định trên là do ông đã có dịp tiếp xúc và nói chuyện với nhiều lãnh đạo của “hai nước châu Âu” không nêu tên và một số nhân vật thân cận với chính quyền của một quốc gia thuộc nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Cả ba nước này cũng đều là thành viên NATO.

“Những người tôi tiếp xúc đều nói thẳng rằng người Mỹ và người Nga đã đạt được đồng thuận trên mọi thứ và trên danh nghĩa thì một trong số đó là Ukraine sẽ không bao giờ trở thành một phần của NATO” - ông Shufrich cho hay, đồng thời chia sẻ thêm là ngay cả Tổng thống Zelenskiy cũng không tin rằng sẽ đưa được Ukraine vào NATO trong thời gian tại vị.

 

Xem thêm: lmth.3149301-otan-pahn-aig-eniarku-ohc-peh-auq-auc-hnac/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cánh cửa quá hẹp cho Ukraine gia nhập NATO”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools