Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội (QH) vừa rồi đã thông qua Nghị quyết về các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá gần 350.000 tỉ đồng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu QH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nhấn mạnh: “Muốn gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng này thực hiện thành công thì phải thúc đẩy những biện pháp toàn diện, những giải pháp chúng ta gọi là phi tài chính”.
Đi bằng tâm thế “vượt lên COVID-19”
. Phóng viên: Tôi thấy nhiều ý kiến tại QH yêu cầu gói 350.000 tỉ đồng phải được triển khai “đúng và trúng”…
+ Đại biểu QH Vũ Tiến Lộc: Tại kỳ họp bất thường vừa qua, QH yêu cầu gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng này phải có trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải, dù các nhóm đối tượng là nhiều hơn.
. Ông nghĩ rằng gói gần 350.000 tỉ đồng này là lớn hay nhỏ so với nhu cầu phục hồi của kinh tế nước ta hiện nay?
+ Tôi không nói là lớn hay nhỏ, mà tôi cho là phù hợp. Vì gói hỗ trợ đưa ra cần phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, của doanh nghiệp (DN), khả năng chịu đựng của hệ thống tài chính - tiền tệ. Chúng ta dù hướng tới mục tiêu phục hồi, phát triển thì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là thành trì bất khả xâm phạm.
Những năm qua, do tác động của dịch bệnh, dư địa để hỗ trợ tài khóa, tiền tệ không còn nhiều. Đặc biệt, dư địa cho chính sách tiền tệ hạn hẹp khi áp lực nợ xấu gia tăng. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà cả thế giới.
. Hẳn ông cũng biết, năm 2021 kinh tế thế giới nhiều nơi tăng trưởng từ 5% đến 5,9%, còn Việt Nam tuy cũng tăng trưởng dương nhưng chỉ đạt 2,58%. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Điều này không chỉ báo chí, mà tôi nghĩ các chuyên gia và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều quan tâm. Bởi vậy, như đã nói ở QH, tôi đề nghị phải xác định rõ tâm thế của chúng ta trong giai đoạn phục hồi và phát triển này.
Chúng ta đã từng hướng tới mục tiêu “zero COVID”, sau đó chúng ta chuyển sang chung sống và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Bây giờ tôi nghĩ tâm thế của chúng ta phải là tâm thế không chỉ chung sống mà phải “vượt lên COVID-19” để có thể phát triển kinh tế - xã hội.
Cho nên tâm thế “vượt lên COVID-19” phải là tâm thế của chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Toàn bộ chính sách phát triển của chúng ta theo hướng này.
. Tâm thế ông vừa nói thực ra rất cần thiết. Và nó có thể là lý do để chúng ta không chỉ hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội?
+ Trong bối cảnh hiện nay, dù chúng ta hướng tới mục tiêu phục hồi hay phát triển thì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống vẫn là yếu tố nền tảng, là thành trì bất khả xâm phạm của chúng ta, bởi mất ổn định là mất tất cả. Chúng ta không thể bỏ qua một thực tế trong bối cảnh hiện nay ở nước ta là áp lực lạm phát đang lớn và áp lực nợ xấu cũng gia tăng.
Doanh nghiệp ở TP.HCM đẩy mạnh sản xuất, nỗ lực phục hồi sau đại dịch.
Ảnh: NGUYỆT NHI
Thúc đẩy được dòng tín dụng hàng triệu tỉ đồng
. Nhưng năm 2021 thì lạm phát vẫn dưới mục tiêu mà QH phê duyệt, thưa ông? Nhiều người cho rằng lạm phát hay nợ xấu cũng không trở nên đáng lo.
+ Dù rằng chỉ số CPI năm 2021 theo Tổng cục Thống kê chỉ ở mức 1,84% nhưng thực tế sản xuất, kinh doanh và dân sinh khiến chúng ta không khỏi có chút lo lắng. Trong suốt thời gian hai năm vừa qua, ngân sách nhà nước cũng như chính sách tiền tệ đã có nhiều nỗ lực để có thể hỗ trợ cho nền kinh tế.
Bây giờ dư địa chính sách của chúng ta không còn nhiều, đặc biệt dư địa trong chính sách ngân hàng. Trên thực tế hiện nay chúng ta đang cho vay dưới chuẩn, khi chúng ta cơ cấu lại nợ, không tăng nhóm nợ để tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Vay dưới chuẩn có nghĩa là rủi ro về tín dụng, rủi ro về nợ xấu đang tăng lên. Trong khi đó, có thể thấy các ngân hàng trung ương của các quốc gia cũng đang siết chặt lại chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Đây là xu hướng chung của cả thế giới.
. Quay lại điều chúng ta đang nói với nhau ở trên về tâm thế “vượt lên COVID-19”. Như ông thấy, quý IV-2021 khi Nghị quyết 128 được ban hành thì tác động rất tích cực…
+ Thực ra đó là cách chúng ta chuyển đổi, mở cửa nền kinh tế để thích ứng, để phục hồi và phát triển. Chính vì vậy, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ có mục tiêu và gói hỗ trợ quan trọng về “mở cửa nền kinh tế”. Mục tiêu này gắn với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội để hướng đến mở cửa bền vững chứ không chỉ là “bật - tắt” nền kinh tế.
Vì vậy, 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hay 300 tỉ đồng phát triển du lịch, cùng với các chính sách khác như tiếp tục giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19… đều nhắm đến mục tiêu ấy.
. Như ông biết, quá trình để nghị quyết này đưa ra QH để thảo luận và thông qua cũng rất là… thận trọng.
+ Trong bối cảnh này, tôi nhất trí với quan điểm của Chính phủ là đưa ra những chính sách linh hoạt nhưng thận trọng. Nghị quyết này cũng nằm trong tâm thế ấy.
Tuy vậy, tôi cũng nhất trí với việc tích hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ để đưa ra một gói giải pháp hỗ trợ về lãi suất cho DN với mức 2%. Mức này tôi cũng cho là phù hợp. Nếu chúng ta thực hiện được gói này sẽ có thể thúc đẩy được một dòng tín dụng đến hàng triệu tỉ đồng cho nền kinh tế và điều đó sẽ có tác động rất lớn đối với các DN.
Quan trọng là dòng này phải được chảy vào các DN và các lĩnh vực có tăng lực cạnh tranh nhưng đang gặp khó khăn tạm thời và có khả năng phục hồi nhanh. Việc đó sẽ quyết định thành bại của chính sách tín dụng của chúng ta.
Cần có gói phi tài chính song hành
. Có một điều mà người dân, DN rất quan tâm. Đó là làm sao để gói 350.000 tỉ đồng này đi thẳng vào nền kinh tế chứ không như các gói 68.000 tỉ đồng năm 2020 hay một số gói hỗ trợ khác mãi đến giờ vẫn chưa triển khai hết.
+ Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm. Vì thực tế như trong những năm trước, nhiều gói hỗ trợ đã được ban hành nhưng khi DN, người dân tiếp cận thì xuất hiện những khó khăn từ trình tự, thủ tục hành chính. Chẳng hạn như gói 14.000 tỉ đồng cho DN vay để trả lương cho người lao động thì rất ít DN tiếp cận được.
Hay nhiều gói hỗ trợ trong năm 2021 tuy được triển khai hiệu quả hơn nhưng những sai sót về mặt kỹ thuật trong quá trình thực thi đã làm cho sự hỗ trợ của Nhà nước giảm hiệu quả. Mà điều đó có thể lại làm giảm động lực của nền kinh tế, giảm tâm thế “vượt lên COVID-19” như tôi nói ở trên.
. Như vậy, có thể hiểu tiền là quan trọng, 350.000 tỉ đồng là quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất? Vậy để 350.000 tỉ đồng này phát huy hiệu quả, đạt được thành công thì phải làm gì, thưa ông?
+ Muốn gói hỗ trợ này thực hiện thành công thì tôi nghĩ phải thúc đẩy những biện pháp toàn diện, những giải pháp chúng ta gọi là phi tài chính, những biện pháp về mở cửa thị trường, mà phải mở cửa thị trường một cách kiên định chứ không phải lúc đóng lúc mở như tôi nói ở trên.
Quan trọng hơn cả, chúng ta cũng phải bỏ thói quen thí điểm mở cửa, mà phải có lộ trình chủ động, bước đi thích hợp và chiến lược lâu dài như nhiều nước trên thế giới đã làm và đang phục hồi nhanh.
Chúng ta cũng phải đẩy mạnh cắt giảm hơn nữa điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.
. Đây là những nhiệm vụ của Chính phủ. Mà như tôi thấy, cải cách thể chế là một trong những trọng tâm Chính phủ đã xác định từ nhiều nhiệm kỳ, thưa ông?
+ Chính vì vậy, khi giao cho Chính phủ tổ chức thi hành nghị quyết thì QH có những lưu ý rất cần thiết. Chẳng hạn, nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; có chính sách đột phá, ưu tiên khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.
Tuy tổng quát như vậy nhưng kinh nghiệm những năm qua cho thấy chỉ khi nào thủ tục hành chính đơn giản thì DN, người dân mới dễ tiếp cận và chính sách mới lan tỏa, đi vào cuộc sống và giúp cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có kết quả.
Và đối với gói 350.000 tỉ đồng này, chỉ khi nào các thủ tục, điều kiện tiếp cận, không còn là rào cản thì khi đó DN nói riêng và nền kinh tế mới hấp thụ được.
. Xin cám ơn ông.•
Bảo vệ cán bộ dấn thân, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung . Kinh nghiệm chúng ta thấy trong nhiều năm qua, mỗi khi có sáng tạo, đột phá để triển khai, thực hiện các giải pháp thì gần như rủi ro cũng có thể xảy ra. + Cũng chính vì vậy nên tôi cho rằng: Giai đoạn 2021-2023, QH đã trao cho Chính phủ quyền thực hiện những giải pháp đặc biệt để chống dịch COVID-19 thì có lẽ cũng cần chấp nhận những giải pháp sáng tạo, quyết liệt, đổi mới “xuất phát từ thực tiễn”. Tôi cho rằng cần phải có một chương trình hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đương nhiên, bên cạnh những lo lắng về tham nhũng, về trục lợi khi thực hiện, triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ trị giá gần 350.000 tỉ đồng thì cũng phải thực hiện quyết liệt cơ chế bảo vệ cán bộ của Đảng và Nhà nước. Trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta cần những cán bộ dấn thân, vượt lên khỏi khung khổ thể chế thông thường vì lợi ích chung. Bảo vệ những cán bộ như vậy cũng chính là thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời cải cách thể chế từ gốc, tức là từ con người. Chỉ khi có những biện pháp, cơ chế song hành, toàn diện như vậy thì gói 350.000 tỉ đồng mới đi vào cuộc sống và thành công. Nó không chỉ làm cho kinh tế - xã hội được phục hồi mà còn có thể thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao tầm quản trị quốc gia và hội nhập hiệu quả với thế giới trong, sau dịch COVID-19. |