Công an tỉnh An Giang ngày 11-1 vừa qua đã bắt quả tang một vụ mua bán vàng nhập lậu từ Campuchia với số lượng 3 kg vàng, gần 170.000 USD và 700 triệu đồng.
Không chỉ vậy, khi khám xét tiệm vàng liên quan đến hai đối tượng vận chuyển trái phép vàng qua biên giới, lực lượng chức năng còn phát hiện và tạm giữ khoảng 15 kg vàng nữ trang, hơn 2,1 triệu USD, 25 tỉ đồng...
Đây chỉ là một trong nhiều vụ buôn lậu vàng bị phát hiện trong thời gian gần đây.
Vàng trong nước một mình một chợ
Giới kinh doanh vàng nhận định giá vàng trong nước quá đắt so với giá thế giới là nguyên nhân chính khiến các đối tượng buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để vận chuyển trái phép vàng qua biên giới kiếm lời khủng.
Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, phân tích: Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá vàng thế giới giảm khoảng 140 USD/ounce, tương đương mức giảm khoảng 3,8 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm giảm tới 5 triệu đồng/lượng. Ở chiều ngược lại, giá vàng miếng SJC lại tăng tới 5,5 triệu đồng/lượng trong cùng thời gian do nguồn cung nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã cạn kiệt.
Chính diễn biến trái chiều này đã khiến cho khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới ngày càng lớn. Nếu hồi đầu năm 2021, giá vàng SJC cao hơn thế giới khoảng 7-8,5 triệu đồng/lượng thì ở thời điểm này đã lên tới 11,5 triệu đồng/lượng, có thời điểm cao hơn tới hơn 12,5 triệu đồng/lượng.
Tương tự, so với vàng thế giới, hiện vàng nữ trang trong nước đắt hơn thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước ngày càng gia tăng thay vì thu hẹp lại. “Hiện giá vàng trong nước vẫn một mình một chợ, bất chấp đà tăng hay giảm của thị trường thế giới” - ông Vũ nhận xét.
Hiện giá vàng miếng SJC bán ra ở mức 61,7 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới khoảng 11, 5 triệu đồng/lượng. Ảnh: T.LINH
Gây nhiều hệ lụy
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia có 20 năm nghiên cứu về vàng, nhận định: Khan hiếm nguồn cung và chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là nguyên nhân chính dẫn đến cách biệt rất lớn giữa vàng nội và vàng ngoại. Vì vậy, khi nào nút thắt kể trên chưa được tháo gỡ thì giá vàng trong nước không thể thu hẹp khoảng cách với giá thế giới.
Hơn nữa, vàng là mặt hàng có tính thanh khoản cao, dễ vận chuyển, mang lại lợi nhuận lớn nếu buôn lậu trót lọt. Kích thước 1 kg vàng chỉ tương đương với kích thước một chiếc điện thoại iPhone nên các đối tượng buôn lậu rất dễ cất giấu.
“Nhu cầu mua vàng của người dân vẫn hiện hữu. Nhưng từ khoảng 10 năm nay, NHNN không cho phép nhập miếng vàng nào. Vậy các công ty lấy vàng từ đâu để sản xuất vàng trang sức mà bán cho người dân? Phương án khả thi nhất để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng như triệt tiêu buôn lậu vàng và hạn chế tình trạng “chảy máu” ngoại tệ chính là Nhà nước nên cho doanh nghiệp đủ điều kiện được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu” - ông Khánh nhấn mạnh.
Đáng lo nhất là việc khan hiếm nguyên liệu sản xuất vàng gây ra nhiều hệ lụy như tình trạng buôn lậu vàng dẫn đến thất thu thuế, giá ngoại tệ biến động. Đặc biệt đồng USD tăng có thể do chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang ở mức rất cao.
Theo đó đối tượng buôn lậu mang vàng ra bán lấy đồng Việt Nam (VND), sau đó dùng VND đổi sang USD để ra nước ngoài mua vàng rồi tiếp tục buôn lậu. Nếu tình trạng buôn lậu vàng càng gia tăng thì nhu cầu đổi ngoại tệ càng cao, dẫn đến giá USD tự do tăng mạnh.
Một cơ sở kinh doanh vàng tại quận 5, TP.HCM bật mí dù không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng không quá khó để mua mặt hàng này trên thị trường, trong đó phần lớn là từ nguồn nhập lậu. “Trong năm vừa qua, có thời điểm giá USD chạm ngưỡng 24.000 đồng/USD.
Đặc biệt, do yếu tố mùa vụ, càng về cuối năm thì nhu cầu vàng nguyên liệu càng trở nên căng thẳng hơn, do đó USD trên thị trường tự do vào thời điểm này cũng nhảy múa mạnh hơn so với các thời điểm khác trong năm” - vị đại diện cơ sở kinh doanh vàng nói.
Liên tiếp bắt buôn lậu vàng Tình trạng buôn lậu vàng nóng trở lại thời gian gần đây khi các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ với số lượng lớn. Mới đây Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) đã bàn giao tang vật gồm hơn 1,7 kg vàng, hơn 2,1 kg bạc và 10.000 USD cho cơ quan công an để điều tra theo thẩm quyền. Giá trị số tang vật trên là 2,945 tỉ đồng. Trước đó lực lượng biên phòng tỉnh An Giang bắt hai đối tượng, thu gần 5 kg vàng trị giá hơn 4,6 tỉ đồng. Đáng chú ý, cũng tại địa bàn tỉnh An Giang, lực lượng công an từng bắt giữ đường dây buôn lậu vàng với quy mô lớn, lên đến 51 kg vàng… Giới kinh doanh vàng cho rằng mặc dù cơ quan chức năng đã nỗ lực triệt phá một số đường dây buôn lậu vàng quy mô lớn nhưng thực tế đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và chỉ giải quyết được phần ngọn của tình trạng buôn lậu. Bởi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là việc giá vàng trong nước quá cao so với thế giới. Vì vậy, chỉ khi nào mức chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và quốc tế được thu hẹp thì tình trạng buôn lậu mới giảm. Nên mở cơ hội cho xuất khẩu vàng Hội đồng Vàng thế giới ước tính bình quân mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 58-60 tấn vàng. Hiện nay vàng vẫn đang được nhiều người Việt dùng làm tài sản cất giữ có giá trị, trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Để giải quyết bài toán này, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam từng kiến nghị cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Đồng thời, hiệp hội đề nghị NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ… Đặc biệt, việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu còn mở ra cơ hội cho các công ty Việt xuất khẩu vàng nữ trang vì trình độ tay nghề thợ kim hoàn nước ta được đánh giá cao so với nhiều nước khác. Bằng chứng là doanh nghiệp một số nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… tìm cách thu hút thợ kim hoàn của Việt Nam sang làm việc. |