vĐồng tin tức tài chính 365

Cảm hứng bền vững trong căn bếp

2022-01-17 08:22

Cách đây vài năm, doanh nhân người Mỹ Jordan Nathan bất cẩn làm cháy một cái chảo trên bếp. Bề mặt chảo phủ PTFE (nhựa Teflon) vốn sinh ra khói độc khi nung ở nhiệt độ cao, khiến anh bị nôn mửa, choáng váng. Vụ tai nạn đã buộc Nathan, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng phải suy ngẫm nghiêm túc về độ an toàn của các loại dụng cụ nấu ăn thông dụng. 

“Luôn cẩn trọng đối với việc ăn uống, tôi thật sự bị sốc khi hiểu được nguyên nhân khiến tôi ngộ độc. Tôi không ngờ thứ mình sử dụng hằng ngày để nấu nướng có thể tiềm ẩn hóa chất gây hại đến thế” - Nathan cho biết. Xuất phát từ sự trăn trở ấy, anh tạo dựng Caraway - thương hiệu dụng cụ nhà bếp kiên quyết “nói không” với vật liệu độc hại. 

Trải nghiệm nấu ăn không độc hại 

Caraway, trụ sở tại New York (Mỹ), là một trong số đông đảo thương hiệu đồ gia dụng đang hướng tới tiêu chí bền vững toàn diện - ứng dụng công nghệ cùng nguyên vật liệu sạch nhằm làm ra sản phẩm chất lượng và an toàn hơn.  

Sản phẩm của Caraway có các chi tiết thiết kế trang nhã, đề cao sự giản tiện, giúp người dùng dễ cất trữ cả trong không gian bếp nhỏ - ẢNH: CARAWAY
Sản phẩm của Caraway có các chi tiết thiết kế trang nhã, đề cao sự giản tiện, giúp người dùng dễ cất trữ cả trong không gian bếp nhỏ - Ảnh: Caraway

Khách hàng ngày càng kỹ tính khi mua sắm hàng gia dụng. Để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp đặc biệt chú trọng tuyển chọn nguyên vật liệu lẫn minh bạch về quy trình sản xuất. Từ lẽ đó, trào lưu kinh doanh “Đề cao giá trị đạo đức” ra đời.

“Đề cao giá trị đạo đức” nhấn mạnh vào khía cạnh xã hội (nhằm bảo vệ sức khỏe khách hàng) và môi trường (góp phần xây dựng tư duy tiêu dùng lành mạnh, hạn chế rác thải). “Gần đây, trong khuôn khổ hội chợ Ambiente, chúng tôi nhìn thấy nhiều hơn những doanh nghiệp hàng gia dụng theo đuổi phong cách bền vững như thế” - Thomas Kastl - Giám đốc phụ trách ngành hàng gia dụng nhà bếp tại Hội chợ Thương mại quốc tế Ambiente (sự kiện hội chợ hàng tiêu dùng uy tín hàng đầu thế giới, tổ chức thường niên ở Frankfurt, Đức) - nhận định. 

Đối với những doanh nghiệp trẻ giàu tiềm năng như Caraway, dấu ấn bền vững thể hiện rõ nét ở yếu tố thiết kế sản phẩm. Từng mẫu nồi, chảo kiểu dáng thanh nhã được làm từ gốm tự nhiên cao cấp, hoàn toàn không thêm hợp chất nhựa, chì hay niken độc hại. “Lõi sản phẩm làm từ nhôm cùng chi tiết đáy và tay cầm bằng thép không gỉ giúp tăng độ bền đẹp lẫn hiệu quả sử dụng. Để đảm bảo minh bạch với người tiêu dùng, chúng tôi công khai toàn bộ kết quả thử nghiệm sản phẩm đã được cơ quan y tế Mỹ chứng thực” - Nathan chia sẻ.  

Phát minh mang thông điệp “xanh hóa”  

Song song với tiêu chí “thanh lọc” nguyên vật liệu đồ gia dụng, khái niệm căn bếp theo xu hướng bền vững còn cuốn hút nhờ hàng loạt ứng dụng công nghệ thiết thực. Một trong những sản phẩm kết hợp khéo léo tính tiện ích và thân thiện cho môi trường là máy hấp thực phẩm của Công ty Thiết kế hàng gia dụng Qvarta (Ukraina). 

Máy hấp thực phẩm thông minh kết hợp thiết kế truyền thống và công nghệ hiện đại - ẢNH: QVARTA
Máy hấp thực phẩm thông minh kết hợp thiết kế truyền thống và công nghệ hiện đại - Ảnh: Qvarta

“Hình ảnh chiếc xửng hấp rất quen thuộc trong nền ẩm thực phương Đông. Tại Trung Quốc, chúng là dụng cụ nhà bếp không thể thiếu của nhiều gia đình suốt 5.000 năm qua. Ngăn hấp với cấu trúc tầng có thể xếp chồng gọn gàng và nguyên liệu gỗ tre có khả năng hấp thụ nhanh hơi nước giúp món ăn thêm mềm ngon là hai giá trị chúng tôi muốn linh hoạt vận dụng. Mẫu nồi hấp này cũng được bổ sung một số điểm nhấn mới để lôi cuốn người tiêu dùng hiện đại” là lời giới thiệu về sản phẩm mới của bộ đôi nhà thiết kế Max Mysechko và Artemiy Drobyazko.

Ngoài hai ngăn phía trên để hấp và giữ ấm thức ăn, phần đáy nồi hoạt động như một thiết bị dẫn nhiệt kèm theo bộ hẹn giờ thông minh gắn đèn LED. Khi muốn sử dụng, bạn chỉ cần cắm dây điện, cho thực phẩm vào rồi chỉnh nút đặt giờ nấu. Chiếc máy hấp pha trộn nét tiện ích cổ điển cùng công nghệ hiện đại, thể hiện các lợi điểm thú vị (thiết kế từ vật liệu nhẹ dễ tái chế, dễ thao tác và nhỏ gọn để mang theo mọi lúc mọi nơi...). 

Việc khai thác chất liệu nhẹ như một giải pháp góp phần giảm tải gánh nặng rác thải lên môi trường cũng là ý tưởng khởi nguồn cho Huskeecup - những chiếc tách uống cà phê làm hoàn toàn từ... cà phê. Sản phẩm bán chạy của thương hiệu Huskee (Úc) tạo thành từ vỏ cà phê - thứ thường bị vứt đi trong quy trình chế biến cà phê, được thêm phụ liệu nhựa sinh học giúp tăng khả năng kết dính. 

Huskeecup làm từ 100% nguyên liệu thực vật với thiết kế tiện dụng trong nhà bếp gia đình lẫn quán bar, nhà hàng. Giá bán lẻ mỗi ly từ 280.000 đồng tùy kích cỡ - ẢNH: HUSKEE
Huskeecup làm từ 100% nguyên liệu thực vật với thiết kế tiện dụng trong nhà bếp gia đình lẫn quán bar, nhà hàng. Giá bán lẻ mỗi ly từ 280.000 đồng tùy kích cỡ - Ảnh: Huskee

Có kiểu dáng tương tự những loại ly tách đựng thức uống phổ biến nhưng Huskeecup gây ấn tượng nhờ độ bền cao dù trọng lượng nhẹ, chống va đập tốt, không độc hại cho môi trường và có thể tái sử dụng nhiều lần. “Có khoảng 600 tỷ ly cà phê uống liền bị vứt đi hằng năm trên khắp thế giới. 99% trong số chúng ứ đọng tại những bãi rác hoặc trôi nổi trên biển. Chúng tôi kỳ vọng Huskeecup có thể phần nào hóa giải thực trạng này” - đội ngũ thiết kế tại Huskee chia sẻ. 

Sống khỏe bắt nguồn từ gian bếp   

Để khuyến khích công chúng cải thiện thói quen vứt bỏ, thường xuyên thay mới hàng gia dụng vốn gây tác động xấu đến môi trường sống, những sản phẩm với chất lượng bền vững hơn đang liên tiếp ra đời. “Dẫu vậy, người tiêu dùng cũng nên chủ động hiểu đúng để lựa chọn đúng đồ gia dụng, đặc biệt là đồ dùng nhà bếp” là ý kiến của Sarah Kolarik, nữ chuyên viên ngành khoa học môi trường, qua một bài viết mới đây trên tạp chí Stanford.   

Mẫu nồi Bräter Evo bằng chất liệu gang tráng men của thương hiệu danh tiếng Le Creuset (Pháp), có giá từ 4,5 - 6 triệu đồng tùy kích cỡ  - ẢNH: LE CREUSET
Mẫu nồi Bräter Evo bằng chất liệu gang tráng men của thương hiệu danh tiếng Le Creuset (Pháp), có giá từ 4,5 - 6 triệu đồng tùy kích cỡ - Ảnh: Le Creuset

Cô viết: “Quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe, hẳn nhiên chúng ta sẽ muốn để mắt đến chất liệu của dụng cụ nhà bếp. Thép, gang hay nhôm đều có ưu và nhược điểm riêng. Nồi, chảo chống dính rất phổ thông nhưng chúng tiềm ẩn nguy cơ giải phóng hóa chất độc hại ở nhiệt độ cao. Tuổi thọ thấp, thường chỉ kéo dài 3-5 năm cũng khiến chúng không thật sự bền vững cho môi trường. Ngược lại, thép không gỉ và gang dù giá thành cao hơn vẫn là những chất liệu đáng đầu tư trong mọi căn bếp. Nhiều mẫu nồi gang tráng men được các bà nội trợ yêu thích nhờ làm từ chất liệu tự nhiên, không độc hại, độ bền có thể kéo dài hàng chục, thậm chí trăm năm”.

Gần đây, nỗi lo dịch bệnh toàn cầu đồng thời thúc đẩy sự phát triển của làn sóng bền vững hóa đồ gia dụng nhà bếp. Jordan Nathan nói: “Khách hàng đang muốn nghiêm túc chăm sóc sức khỏe hơn lúc nào hết. Chúng tôi ghi nhận lượng doanh thu tăng đến 20 lần trong vòng hai năm trở lại đây, từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Thế nhưng, điều này không chỉ vì mọi người có nhiều thời gian hơn ở nhà. Hàng loạt trào lưu ăn chay, vận động lành mạnh nở rộ đang khiến người tiêu dùng ý thức hơn khi nấu nướng. Tôi tin những đề cử đồ gia dụng nhà bếp mang giá trị bền vững, an toàn cho môi trường lẫn sức khỏe sẽ tiếp tục được đón nhận tích cực”. 

Như Ý

Xem thêm: lmth.5315541a-peb-nac-gnort-gnuv-neb-gnuh-mac/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Cảm hứng bền vững trong căn bếp ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools