Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã ghi nhận nhu cầu điện tăng mạnh nhất chưa từng có vào năm 2021, gây ra tình trạng mất điện ở các nền kinh tế lớn và dẫn đến giá năng lượng cao trong lịch sử cũng như lượng khí thải kỷ lục.
Báo cáo điện lực hàng năm của IEA cho biết điều này có thể tiếp tục trong ba năm nữa, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng và nền kinh tế trừ khi có sự thay đổi trong cơ cấu đối với cách sản xuất điện sớm và nhanh hơn.
Giám đốc điều hành của IEA, Fatih Birol cho biết: "Giá điện tăng đột biến trong thời gian gần đây đã gây khó khăn cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp thế giới. Không những vậy, nó còn có nguy cơ trở thành nguyên nhân dẫn đến căng thẳng xã hội và chính trị".
IEA nhận thấy nhu cầu sử dụng điện của thế giới đã tăng 6% vào năm ngoái, sau sự phục hồi kinh tế toàn cầu từ cuộc suy thoái đại dịch năm 2020, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010 khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tổng nhu cầu điện tăng lên hơn 1.500 terawatt giờ, mức tăng lớn nhất được ghi nhận. Nhưng mức tăng đó không thể theo kịp với sự gia tăng nhu cầu khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian dãn cách, làm cản trở tăng trưởng kinh tế.
Khoảng một nửa mức tăng nhu cầu điện diễn ra ở Trung Quốc, đất nước có dân số đông nhất thế giới, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trung Quốc và Ấn Độ đều bị cắt điện trong nửa cuối năm do nguồn cung cấp than không theo kịp nhu cầu cho các nhà máy điện của họ, nhất là khi bước vào thời điểm mùa đông lạnh giá, dẫn đến suy thoái kinh tế ở châu Á.
Tại Anh, giá thị trường điện đã đạt mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây, một phần lớn là do lưới điện tiếp tục dựa vào các nhà máy điện đốt bằng khí đốt, chiếm gần một nửa sản lượng điện. Chi phí để vận hành các địa điểm này đã tăng vọt sau khi nguồn cung khí đốt toàn cầu bị suy giảm, khiến giá thị trường cao kỷ lục trên khắp châu Âu.
Chi phí bật đèn chiếu sáng tăng cao đã khiến Vương quốc Anh đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng quốc gia khi hóa đơn hộ gia đình tăng vọt, các nhà cung cấp năng lượng sụp đổ và các nhà máy buộc phải đóng cửa.
Sự căng thẳng trên toàn cầu đối với hệ thống điện cũng đã dẫn đến lượng phát thải kỷ lục từ sản xuất điện khi các nền kinh tế chuyển sang sử dụng các nhà máy điện than rẻ hơn để hạn chế chi phí tăng cao.
Birol nói: "Các nhà hoạch định chính sách nên hành động ngay bây giờ để giảm bớt tác động đối với những người dễ bị tổn thương nhất và giải quyết các nguyên nhân cơ bản. Cần đầu tư cao hơn vào các công nghệ năng lượng các-bon thấp gồm năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng và điện hạt nhân. Cùng với đó, cần việc mở rộng lưới điện thông minh, mạnh mẽ để giúp chúng ta thoát khỏi những khó khăn hiện nay".
Để đáp ứng nhu cầu điện trở lại, các nhà máy nhiệt điện than đã tạo ra lượng điện nhiều hơn 9% trong năm ngoái, hơn một nửa mức tăng nhu cầu điện trên toàn cầu, đạt mức cao nhất mọi thời đại do khí đốt ngày càng đắt đỏ. Theo IEA, sản lượng điện do các nhà máy điện khí tạo ra đã tăng 2% vào năm ngoái, trong khi sản lượng điện hạt nhân tăng 3,5%.
IEA cho biết việc quay trở lại với các nguồn điện không sạch này đã khiến tổng lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trên thế giới tăng 7%. Đây là mức cao nhất mọi thời đại sau khi giảm xuống hai năm trước đó.
Birol cảnh báo rằng lượng khí thải từ điện sẽ cần phải giảm 55% vào năm 2030 nếu thế giới hy vọng hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và mong muốn thế giới "không carbon" vào năm 2050.
Tham khảo: The Guardian
Theo Khánh Huyền
Doanh nghiệp và Tiếp thị