Hơi nước, khói và tro bốc lên trong không khí sau vụ phun trào của Hunga Tonga Hunga Ha'apai hôm 15-1 - Ảnh: EPA
Vụ phun trào dữ dội đến mức người dân tại đảo quốc Fiji (cách Tonga khoảng 800km) và thành phố Auckland của New Zealand (cách Tonga khoảng 2.000km) cũng nghe được các âm thanh từ núi lửa.
Theo Đài truyền hình Al Jazeera, chính quyền Tonga cho biết thông tin liên lạc vẫn bị gián đoạn và hiện chưa rõ mức thiệt hại về người và của.
Chính quyền Tonga cũng kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp nước ngọt và thực phẩm cho người dân.
Trung tâm Tư vấn về núi lửa Darwin cho biết núi lửa Hunga Tonga-Hunga-Ha’apai tiếp tục phun trào trong ngày 16-1 (giờ địa phương).
Trong khi đó, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) cho biết đã phát hiện ra những đợt sóng lớn trong khu vực này.
"Đây có thể là do một đợt phun trào khác của núi lửa Tonga. Không có trận động đất nào đủ lớn để tạo ra đợt sóng này", PTWC cho biết.
Máy bay của Không quân Hoàng gia New Zealand chuẩn bị rời căn cứ Auckland đến Tonga để đánh giá tác động ban đầu - Ảnh: REUTERS
Ngày 17-1, cả Úc và New Zealand đều cử máy bay đi thị sát nhằm đánh giá thiệt hại ở Tonga. Hai nước cho biết đang phối hợp với Mỹ, Pháp và các quốc gia khác để hỗ trợ nhân đạo tại Tonga.
Theo các báo cáo ban đầu, ông Zed Seselja - bộ trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Úc - cho biết không có thương vong nhiều với cư dân và sân bay "có vẻ trong tình trạng tương đối tốt".
Tuy nhiên, ông Seselja ghi nhận có "thiệt hại đáng kể" về cầu đường.
Hội Chữ thập đỏ đã đề nghị hỗ trợ Tonga. Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) cho biết đã sẵn sàng hỗ trợ Tonga sau "thảm họa thiên nhiên độc nhất vô nhị trong một thiên niên kỷ".
"Trong thời gian tới, chúng ta sẽ có được bức tranh rõ ràng hơn về tình hình ở Tonga, cũng như phần còn lại của lục địa Thái Bình Dương xanh", tổng thư ký PIF Henry Puna tuyên bố.
Nhiều người chưa thể liên lạc với thân nhân ở Tonga
Rất nhiều người Tonga sống ở nước ngoài đang rất sốt ruột về sự an nguy của người thân ở quê nhà, nhưng hoàn toàn mất liên lạc với họ sau vụ sóng thần.
Theo trang stuff.co.nz của New Zealand, sáng 17-1, anh Kilifi Havea, 45 tuổi, một người Tonga sống ở New Zealand 20 năm qua, đã liên hệ được với một người bạn và được biết gia đình cũng như người thân của bạn không bị ảnh hưởng trong vụ sóng thần.
Nhưng anh Havea vẫn đang đứng ngồi không yên vì chưa thể liên lạc được với mẹ anh, hiện đang sống ở thủ đô Nuku-alofa của Tonga.
Người bạn của anh Havea hiện sống trên cụm đảo Haʻapai (có khoảng 8.000 người sinh sống), cách ngọn núi lửa phun trào gây sóng thần hôm 15-1, có thể là nguồn liên lạc duy nhất vào thời điểm này. Anh cho biết người dân ở các cụm đảo lân cận là Uiha và Ha’ano cho biết họ chỉ bị thiệt hại đôi chút và thậm chí vẫn làm lễ nhà thờ như bình thường trong ngày chủ nhật, 16-1.
Ngày 17-1, theo Đài BBC, New Zealand đã gửi 2 máy bay đến Tonga. Một chiếc máy bay sẽ chở theo những vật phẩm hỗ trợ rất cần thiết và một máy bay Orion để đánh giá tác động của sóng thần và vụ phun trào núi lửa. Tonga cũng đã gửi các tàu hải quân đến các đảo bên ngoài để đánh giá thiệt hại.
Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết có thể có tới 80.000 người ở Tonga bị ảnh hưởng trong thảm họa thiên tai.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận. Thủ tướng New Zealand cho biết họ chưa biết về quy mô thiệt hại của các đảo do việc thông tin liên lạc bị hạn chế.
Tối 15-1, người dân quốc đảo Tonga ở nam Thái Bình Dương đã chứng kiến vụ núi lửa phun trào khủng khiếp ở giữa các đảo nhỏ Hunga Tonga và Hunga Ha'apai, cách thủ đô Nuku'alofa trên đảo chính Tongatapu khoảng 50km về phía bắc.
TTO - Giáo sư Shane Cronin, nhà nghiên cứu về núi lửa tại Đại học Auckland, mô tả cảnh tượng trên mặt đất trông như ngày tận thế sau vụ phun trào của núi lửa ngầm ở Tonga vào cuối tuần trước.
Xem thêm: mth.99765850171102202-uas-oeht-nol-gnos-yaht-ial-nuhp-cut-peit-agnot-o-aul-iun/nv.ertiout