Số liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 17/1 cho thấy, dân số nước này tăng chưa tới nửa triệu người vào năm ngoái và số ca sinh mới cũng giảm năm thứ 5 liên tiếp trong năm vừa qua.
Cụ thể, tổng dân số của Trung Quốc chỉ tăng khoảng 480.000 người từ 1,412 tỷ vào năm 2020 lên 1,4126 tỷ vào năm 2021. Theo NBS, các bà mẹ ở Trung Quốc đã sinh ra khoảng 10,62 triệu em bé trong năm ngoái, giảm 11,5% so với mức 12 triệu vào năm 2020.
Tỷ lệ sinh của cả nước năm 2021 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 7,52 ca sinh/1.000 người, trong khi con số của năm 2020 là khoảng 8,52.
Tỷ lệ tử trên toàn quốc vào năm ngoái rơi vào khoảng 7,18 ca/1.000 người, qua đó đưa tốc độ tăng trưởng dân số chung của Trung Quốc tụt xuống còn 0,34 ca sinh/1.000 người.
Số liệu trên bao quát 31 tỉnh, thành và khu tự trị trực thuộc Trung Quốc, nhưng không tính người nước ngoài cũng như dân số tại Hong Kong, Macau và Đài Loan, SCMP lưu ý.
Ông Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, nhấn mạnh: "Phần gây sốc nhất trong dữ liệu mới của NBS là tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên của Trung Quốc đã rơi xuống mức 0,34 ca/1.000 người. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ này tụt khỏi mức 1/1.000 người kể từ khi dữ liệu được công bố".
"Các thách thức về nhân khẩu học tại Trung Quốc thì ai cũng biết, nhưng tốc độ già hóa dân số rõ ràng là nhanh hơn dự đoán", ông Zhang bày tỏ.
"Điều này chứng tỏ dân số Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2020. Nó cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Trung Quốc cũng sẽ lao dốc nhanh hơn", vị chuyên gia nói tiếp.
Đầu tháng này, tỉnh Hà Nam, khu vực hành chính đông dân thứ ba của Trung Quốc, báo cáo rằng do tỷ lệ sinh tụt xuống còn 9,24 trẻ/1.000 người, số trẻ sơ sinh trong tỉnh đã giảm xuống còn 920.000 trẻ vào năm 2020. Con số này mất tới 23,3% so với năm 2019.
Ông He Yafu, một nhà nhân khẩu học có tiếng tại Trung Quốc, nhận định: "Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người mất việc hoặc bị cắt giảm lương. Thu nhập hộ gia đình giảm, cùng với những bất ổn trong dịch bệnh, càng khiến người trẻ ngại kết hôn, sinh con".
Theo SCMP, các chuyên gia khác đã cảnh báo rằng một bước ngoặt về nhân khẩu học có thể sắp xảy ra ở quốc gia đông dân nhất thế giới và một số cho rằng điều này có nguy cơ làm xói mòn nền móng tăng trưởng của Trung Quốc trong 40 năm qua.
Bắc Kinh đã thực hiện các bước để cải thiện tình trạng này, chẳng hạn như cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ ba cũng như cố gắng hạn chế nạo phá thai nếu không phải vì lý do y tế.
Nhiều chính quyền địa phương cũng đã đưa ra các sáng kiến của riêng họ để tăng mức sinh. Chúng bao gồm việc cho các cặp vợ chồng nghỉ làm nhiều ngày hơn, hoặc thậm chí hỗ trợ tài chính khi sinh con thứ hai hoặc thứ ba.