Cá ngừ đại dương được mùa, được giá
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác thủy hải sản, nhưng kể từ tháng 10.2021 đến nay, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát nên hoạt động khai thác hải sản trên biển cũng trở lại bình thường. Nhiều chuyến biển của ngư dân được mùa và giá cá ngừ đại dương đang tăng lên nên ngư dân rất phấn khởi…
Ngư dân Võ Văn Lượng, chủ tàu cá PY 91287 TS (ở P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa), cho biết: “Trong năm 2021 vừa qua, ngư dân gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt từ tháng 6.2021 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, sản phẩm hải sản khai thác không tiêu thụ được nên nhiều chuyến biển không hiệu quả, thậm chí có chuyến còn lỗ phí nên nhiều ngư dân không thể ra khơi. Sau khi dịch Covid-19 ở Phú Yên cơ bản được kiểm soát, ngư dân mới vươn khơi trở lại. Tuy nhiên, chuyến biển vừa qua lại không thuận lợi bởi biển động, sóng to gió lớn, ra khơi không gặp luồng cá nên kéo dài gần 2 tháng”.
Tuy thời gian chuyến biển dài, nhưng bù lại tàu cá của ông Lượng khai thác được hơn 2,8 tấn hải sản, chủ yếu là cá ngừ đại dương. “Giá cá ngừ đại dương loại 1 hiện nay khoảng 145.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí thì chuyến biển này lãi khoảng 200 triệu đồng”, ông Lượng vui vẻ cho biết thêm.
Cá ngừ đại dương được giá nên ngư dân phấn khởi. ĐỨC HUY |
Trong khi đó, tàu cá cá PY 90018 TS của gia đình bà Hồ Thị Hương (cũng ở P.6, TP.Tuy Hòa) vươn khơi gần 2 tháng, đã câu được hơn 2,9 tấn cá ngừ đại dương. Theo bà Hương, việc thu mua, chế biến cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay đang hoạt động mạnh trở lại. Trong năm 2021, có nhiều thời điểm giá cá ngừ đại dương loại 1 chỉ khoảng 90.000 đồng/kg, đến đầu tháng 11.2021 tăng lên khoảng 115.000 đồng/kg, sau đó tăng dần lên 130.000 đồng/kg và hiện nay là 145.000 đồng/kg.
"Việc giá cá ngừ đại dương liên tục tăng trong thời gian gần đây là một tín hiệu vui cho ngư dân, hy vọng giá thu mua cá tiếp tục ổn định như hiện nay…", bà Hương nói.
Ông Phan Thanh Lực, Trưởng ban quản lý cảng cá Đông Tác (TP.Tuy Hòa), cho biết: Trong khoảng từ ngày 10 - 16.1, tại cảng cá Đông Tác đã có khoảng 50 tàu khai thác cá ngừ đại dương về cảng. Đa số các tàu cá về đợt này có thời gian khai thác trên biển gần 2 tháng, sản lượng trung bình mỗi tàu từ 1,7 - 2 tấn cá ngừ đại dương. Cá biệt có một số tàu đạt sản lượng trên 3 tấn cá.
“Hiện vẫn còn nhiều tàu cá khai thác chuyến biển cuối năm âm lịch đang tiếp tục trên đường vào bờ, Ban quản lý cảng cá Đông Tác sẽ bố trí, sắp xếp hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tàu bốc dỡ hải sản lên bờ, cũng như chuyển vật tư, nhu yếu phẩm lên tàu chuẩn bị ra khơi chuyến biển mới”, ông Lực chia sẻ.
Ngư dân vội vã đưa cá ngừ đại dương lên bờ để bán cho thương lái ĐỨC HUY |
Tiếp tục đầu tư, phát triển
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, hiện toàn tỉnh có hơn 4.100 tàu cá, trong đó có 655 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên chuyên khai thác hải sản xa bờ. Nhìn chung, tình hình thời tiết năm 2021 vừa qua có nhiều thuận lợi để khai thác thủy hải sản, ngư dân thường xuyên bám biển. Ngư trường khai thác chủ yếu của tàu khai thác cá ngừ đại dương là vùng biển đông Hoàng Sa và vùng biển Trường Sa.
Cá ngừ đại dương được đưa lên xe đông lạnh. ĐỨC HUY |
Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, cho biết: Năm 2021, các tàu câu cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh mỗi chuyến khai thác có sản lượng trung bình từ 1 - 2 tấn/tàu, có tàu khai thác từ 2 - 3 tấn, có khoảng 60% tàu câu có lãi, 40% tàu hòa vốn. “Trong năm 2021, có thời điểm giá cá ngừ đại dương ở mức 90.000 đồng/kg, sau đó tăng dần và đến giữa tháng 1.2022 đã tăng lên 145.000 đồng/kg, đây là những tín hiệu đáng mừng cho ngư dân. Không chỉ nghề câu cá ngừ đại dương hoạt động có hiệu quả mà sản lượng khai thác của nghề lưới vây kết hợp ánh sáng cũng khá cao, trung bình khoảng 6 - 14 tấn/tàu/chuyến, cá biệt có tàu đạt trên 70 tấn/chuyến; sản lượng lưới vây trung bình từ 5 - 6 tấn/tàu/chuyến”, ông Minh nói.
"Tổng sản lượng khai thác năm 2021 trên địa bàn tỉnh khoảng 63.640 tấn, trong đó cá ngừ đại dương khoảng 3.000 tấn, cá ngừ thường khoảng 2.750 tấn. Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên đang xây dựng và tham mưu cho tỉnh đề án Phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022 - 2025. Khi đề án này hoàn thành, sẽ tạo động lực mới để nghề khai thác cá ngừ đại dương Phú Yên phát triển ổn định".
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, để nâng cao hiệu quả nghề khai thác, nhất là khai thác cá ngừ đại dương, Sở đã giao Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Thủy sản tuyên truyền, vận động ngư dân trong tỉnh trang bị, sử dụng các trang thiết bị tiên tiến phục vụ cho khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Qua đó, một số tàu câu đã sử dụng lưỡi câu vòng để câu cá ngừ đại dương, nhờ ưu điểm là cá dễ mắc câu và ít bị sẩy nên hiệu quả khai thác cao hơn. Hiện nay, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên đã trang bị hệ thống đèn led chiếu sáng, sử dụng dụng cụ làm choáng cá trước khi bắt lên tàu nhằm tăng chất lượng cá khai thác được, sử dụng con mực giả do Nhật Bản sản xuất để làm mồi câu, giúp chủ động hơn trong việc giải quyết tìm mồi câu khi hoạt động trên biển.
Ngoài ra, một số tàu lưới vây cũng đã sử dụng đèn led, trang bị máy dò quét, máy dò chụp 360 độ - là loại máy dò hiện đại phát hiện cá từ mọi hướng và truy bám tự động. Đến nay, một số tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới vây đã lắp đặt, sử dụng hầm bảo quản sản phẩm khai thác bằng vật liệu P.U (Poly Urethane), trang bị thiết bị làm đá sệt từ nước biển để bảo quản sản phẩm. Các tàu trang bị, sử dụng các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại để khai thác thủy hải sản và bảo quản sản phẩm trên biển đều được đánh giá là sản phẩm thu được có chất lượng tốt hơn và hiệu quả khai thác cao hơn.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: “Hiện nay, hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân đang hồi phục trở lại, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu mặt hàng cá ngừ đại dương đang có dấu hiệu tốt hơn. Tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp và các chính sách phát triển thủy sản nhằm hỗ trợ ngư dân, giúp ngư dân yên tâm bám biển làm ăn. Trước mắt, ngư dân cần đầu tư các trang thiết bị hỗ trợ khai thác với công nghệ hiện đại, từng bước đổi mới công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác đạt chất lượng nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm”.