Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 - Đại học Y Hà Nội (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chiều ngày cuối năm, âm thanh “tít tít” liên tục vang lên tại các “căn cứ địa”, nơi điều trị cho các bệnh nhân nặng. Nơi đây, cùng với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW được coi là "lá chắn cuối cùng" chống COVID-19.
Tại phòng trung tâm này là phòng theo dõi các chỉ số huyết áp, SpO2, nhịp tim… Số liệu về tình hình sức khoẻ của tất cả bệnh nhân liên tục được cập nhật. Mọi nguy hiểm gì sẽ được “cảnh báo” ngay lập tức.
Ở Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 - Đại học Y Hà Nội, những hình ảnh "căng như dây đàn", chạy đua từng giây chữa trị các bệnh nhân nguy kịch hoặc rất nặng là điều thường xuyên diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Mỗi lúc tiếng bộ đàm từ phòng theo dõi trung tâm vang lên, là đội ngũ y, bác sĩ lập tức đi đến kiểm tra, can thiệp. Trong ảnh là bác sĩ Vũ Đình Hùng, người có 2 tháng từng tham gia chống dịch tại “điểm nóng” tỉnh Bình Dương.
Sau khi thống nhất qua bộ đàm với buồng điều trị, bác sĩ Vũ Đình Hùng cùng bác sĩ Cao Đại Dương phụ trợ và điều dưỡng nhanh chóng mặc đồ bảo hộ vào thực hiện mở khí quản cho bệnh nhân.
Với các bác sĩ tại “lá chắn” chống dịch Covid-19 thì thời gian luôn là vàng, dồn lực cứu chữa cho người bệnh nặng, nguy kịch.
Từ buồng trung tâm, phát hiện cụ ông quê Bắc Ninh chuyển biến rất nặng. Bệnh nhân mới tiêm 1 mũi vaccine, đã thở máy dài ngày. Ngay lập tức, bác sĩ Hùng đã chỉ định mở khí quản cho bệnh nhân này. "Nếu không, bệnh nhân khó được chăm sóc thở máy, khó hút đờm, tăng thông khí khoảng chết, dẫn đến biến chứng sẹo hẹp khí quản về sau...", bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ Hùng và cộng sự đến bên bệnh nhân kiểm tra các chỉ số để chuẩn bị cho ca giải phẫu mở khí quản cho bệnh nhân.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, khoảng một tuần nay, số bệnh nhân nhập viện có giảm so với ít ngày trước, tuy nhiên lại là những ca rất nặng và nguy kịch, hầu hết các bệnh nhân đều phải thở máy, mask túi, HFNC.
Theo bác sĩ Phương, hiện tại nhân lực điều trị tại bệnh viện không đủ. Mỗi kíp trực gồm 4 bác sĩ, 4 điều dưỡng, phải làm việc một ca trực 12 tiếng, thay vì là 6-8 tiếng. Nhiều phòng cần 6 điều dưỡng, nhưng cũng không đủ.
Sau khi mọi chẩn đoán xong, bác sĩ Hùng và 1 cộng sự nữa tiếp tục mặc thêm đồ bảo hộ, sát khuẩn tay trước khi tiến hành ca giải phẫu.
Những người có mặt trong phòng điều trị trừ bác sĩ không ai được chạm vào dụng cụ phẫu thuật để bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Trong ảnh, bác sĩ Hùng đang xác định vị trí để mổ, đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân. Việc làm này mất khá nhiều thời gian. Theo bác sĩ Hùng, một ca mở khí quản thông thường mất khoảng 30 phút, nhưng nếu gặp ca khó như giải phẫu cổ bệnh nhân quá ngắn thì có thể kéo dài từ 90 phút tới 2 giờ đồng hồ.
Cùng với đặt ống nội khí quản, mở khí quản cho bệnh nhân Covid-19 là thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm cao. Bởi trong quá trình phẫu thuật phải mở đường thở của bệnh nhân, tất cả khí ở phổi mang theo virus sẽ tràn ra ngoài không khí.
Những bệnh nhân nhập viện vào đây chủ yếu là những người ngoài 70 tuổi, với tình trạng bệnh đã diễn biến nặng. Do đó, trong quá trình tiến hành giải phẫu các y, bác sĩ luôn phải tập trung tối đa để không mắc sai sót.
Tư thế cúi gập, tập trung cao độ, kính mờ hơi, rất mỏi và nóng do không được dùng điều hòa trong buồng bệnh là những gì các y, bác sĩ phải đối mặt mỗi khi có bệnh nhân trở nặng, cần can thiệp bằng máy móc.
Mạng sống của tất cả các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại đây phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống máy móc và nỗ lực chăm sóc không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ.
Sau 30 phút căng thẳng, ca mở khí quản diễn ra thành công. Thầy thuốc động viên nhau qua cái "đấm tay".
Những ngày cuối năm, khi người dân đang tất bật lo cho cái Tết đoàn viên. Các bác sĩ tại "lá chắn COVID-19 cuối cùng" tất bật lo cho các bệnh nhân nặng. Với họ, cái Tết hạnh phúc nhất cũng là Tết ở bên gia đình, và chỉ khi dịch được khống chế, họ mới có Tết
https://afamily.vn/phong-su-can-canh-30-phut-sinh-tu-mo-khi-quan-cho-benh-nhan-covid-19-nguy-kich-tai-la-chan-cuoi-cung-20220116065929791.chnTheo GIA ĐOÀN
NHỊP SỐNG VIỆT