Theo báo cáo Xu hướng Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới (WESO) năm 2022, ILO dự báo thâm hụt số giờ làm việc trên toàn cầu tương đương 52 triệu việc làm toàn thời gian. Trước đó vào tháng 5/2021, ILO ước tính tương đương thâm hụt 26 triệu việc làm toàn thời gian trong cả năm.
Mặc dù dự báo mới nhất này có sự cải thiện về tình hình vào năm 2021, nhưng nó vẫn thấp hơn gần 2% so với số giờ làm việc toàn cầu trước đại dịch.
Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì trên mức trước khi dịch COVID-19 bùng phát cho đến ít nhất là năm 2023. Mức năm 2022 ước tính là 207 triệu, so với 186 triệu vào năm 2019. Báo cáo của ILO cũng cảnh báo rằng tác động tổng thể đến việc làm lớn hơn đáng kể do nhiều người đã rời bỏ lực lượng lao động. Vào năm 2022, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.
Việc điều chỉnh trong dự báo năm 2022, ở một mức độ nào đó, phản ánh tác động mà các biến thể gần đây của COVID-19, chẳng hạn như Delta và Omicron, đang gây ra đối với thế giới cũng như sự không chắc chắn đáng kể về diễn biến tương lai của đại dịch.
Báo cáo của WESO cảnh báo về sự khác biệt rõ rệt về tác động của cuộc khủng hoảng giữa các nhóm người lao động và các quốc gia. Những khác biệt này đang làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia và làm suy yếu cơ cấu kinh tế, tài chính và xã hội của hầu hết mọi quốc gia, bất kể tình trạng phát triển. Thiệt hại này có thể cần nhiều năm để sửa chữa, với những hậu quả lâu dài có thể xảy ra đối với sự tham gia của lực lượng lao động, thu nhập hộ gia đình và sự gắn kết xã hội và có thể cả trong lĩnh vực chính trị.
Các tác động đang được cảm nhận trên thị trường lao động ở tất cả các khu vực trên thế giới, mặc dù có thể quan sát thấy sự khác biệt lớn trong các mô hình phục hồi. Khu vực châu Âu và Bắc Mỹ đang có những dấu hiệu phục hồi đáng mừng nhất, trong khi Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe có triển vọng tiêu cực nhất. Ở cấp độ quốc gia, sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra mạnh mẽ nhất ở các nước thu nhập cao, trong khi các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp hơn đang có xu hướng tồi tệ nhất.
Báo cáo cho biết tác động không cân xứng của cuộc khủng hoảng đối với việc làm của phụ nữ dự kiến sẽ kéo dài trong những năm tới. Trong khi việc đóng cửa các cơ sở giáo dục và đào tạo "sẽ có nhiều tác động lâu dài" đối với thanh niên, đặc biệt là những người không có Internet.
WESO bao gồm các dự báo toàn diện về thị trường lao động cho năm 2022 và 2023. WESO đưa ra các đánh giá về mức độ phục hồi của thị trường lao động đã diễn ra trên toàn thế giới, phản ánh các cách tiếp cận khác nhau của các quốc gia đối với việc phục hồi đại dịch và phân tích tác động lên các nhóm lao động và các khu vực kinh tế khác nhau.
Báo cáo của ILO cho thấy, cũng như trong các cuộc khủng hoảng trước đây, việc làm tạm thời đã tạo ra một vùng đệm chống lại cú sốc của đại dịch đối với một số người. Trong khi nhiều công việc tạm thời đã bị chấm dứt hoặc không được tiếp tục, những công việc thay thế đã được tạo ra, bao gồm cả những người lao động bị mất việc làm vĩnh viễn. Tính trung bình, tỷ lệ công việc tạm thời không thay đổi.
WESO cũng đưa ra bản tóm tắt các khuyến nghị chính sách chính nhằm tạo ra sự phục hồi toàn diện, lấy con người làm trung tâm sau cuộc khủng hoảng ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.
VTV.vn - Kể từ khi chính phủ Mỹ triển khai các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, các chính sách hỗ trợ nhân viên nghỉ ốm được rút dần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!