Năm 2021, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) có trên 3.240 thợ lò có mức thu nhập từ 300 triệu đồng/năm. Trong đó, có nhiều người có mức thu nhập gần đạt ngưỡng 500 triệu đồng/năm, tương đương hơn 41 triệu đồng/tháng.
Trữ lượng than của Việt Nam
Than được coi là nguồn năng lượng truyền thống trên thế giới, có ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Trước đây, than được dùng làm nhiên liệu trong các máy hơi nước, đầu máy xe lửa; sau này, than được dùng làm nhiên liệu trong các nhà máy nhiệt điện, than được cốc hóa làm nhiên liệu cho ngành luyện kim. Với sự phát triển của công nghiệp hóa học, than được sử dụng như là nguồn nguyên liệu để sản xuất ra nhiều loại dược phẩm, chất dẻo.
Trữ lượng than trên toàn thế giới cao hơn gấp nhiều lần trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Theo ước tính, thế giới có trên 10 nghìn tỷ tấn than, trong đó trữ lượng có thể khai thác là 3.000 tỷ tấn mà 3/4 là than đá.
Than tập trung chủ yếu ở Bắc bán cầu, trong đó đến 4/5 thuộc về Trung Quốc (tập trung ở phía Bắc và Đông Bắc), Mỹ (chủ yếu ở các bang miền Tây), Liên bang Nga (vùng Siberia), Ukraine (vùng Donbass), Đức, Ấn Độ, Australia, Ba Lan...
Khai thác lộ thiên ở một mỏ than vùng Hòn Gai (TP. Hạ Long). Ảnh: T.N.D
Ở Việt Nam, than có nhiều loại, trữ lượng lớn, tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh (90% trữ lượng than cả nước). Trữ lượng than của nước ta ước chừng hơn 6,6 tỷ tấn, trong đó trữ lượng có khả năng khai thác là 3,6 tỷ tấn (đứng đầu ở Đông Nam Á). Tuy vậy, trữ lượng than của Việt Nam chỉ chiếm 0,33% tổng trữ lượng than thế giới.
Trả lời câu hỏi của báo chí, liệu Việt Nam còn có thể khai thác than trong bao lâu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, với nguồn tài nguyên khai thác hiện tại dự kiến thời gian khai thác than còn kéo dài "vài trăm năm nữa".
Ông Lê Văn Duẩn - Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp – Vinacomin tính toán, hiện tại Việt Nam vẫn tập trung khai thác bể than Đông Bắc với tổng trữ lượng còn lại khoảng 6,2 tỷ tấn. Nếu tính bình quân mỗi năm khai thác 50 triệu tấn, thì riêng trữ lượng than tại bể Đông Bắc còn khai thác được 40-50 năm nữa. Chưa kể, nếu quá trình thử nghiệm bể than sông Hồng thành công (trữ lượng khoảng 42 tỷ tấn than), thì tài nguyên than còn có thể khai thác vài trăm năm nữa.
Lương thợ mỏ ở Việt Nam
Sản lượng và xuất khẩu than tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), số lượng thợ lò có thu nhập cao, trên 300 triệu đồng/năm, những năm gần đây liên tục tăng mạnh.
TKV cho hay, trong năm 2018, số thợ lò của 14 công ty khai thác than hầm lò ở Quảng Ninh có mức thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên chỉ tầm 700 người thì trong năm 2019, con số này đã lên tới hơn 2.600 người.
Đáng lưu ý, trong năm 2021, số thợ lò có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm là hơn 3.240 người.
Ảnh minh họa
Các Công ty CP than Hà Lầm, Công ty CP than Vàng Danh, Công ty CP than Mạo Khê,... là những công ty có nhiều thợ lò thu nhập cao nhất. Đặc biệt, số thợ lò có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên của Công ty CP than Vàng Danh luôn trên mức 350 người.
Theo TKV, Công ty CP than Hà Lầm có nhiều thợ lò có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, trong đó có người thu nhập tới 475 triệu đồng/năm. Cá biệt, có người đạt mức thu nhập gần ngưỡng 500 triệu đồng/năm, tương đương hơn 41 triệu đồng/tháng.
Lương của thợ lò là mức lương khá cao so với mặt bằng chung ở Việt Nam cũng như ở khu vực châu Á, thậm chí cao gần bằng các lãnh đạo trong khu vực. Ví dụ, theo thống kê mới đây , lương của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là 11.385 nhân dân tệ (gần 50 triệu VND), trong khi lương sau thuế của Thủ tướng Campuchia Hun Sen là 2.238 USD (hơn 51 triệu VND).
Chia sẻ về mức thu nhập của thợ lò và số lượng thợ lò có mức thu nhập cao tăng, các công ty than cho biết nhờ sản lượng tăng, đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào khai thác nên hiệu suất công việc cao hơn.
Dù vậy, phải hiểu rằng mặc dù thu nhập của thợ lò 20 – 25 triệu/người/tháng dù cao hơn mặt bằng chung, nhưng phải đánh đổi nhiều về mức độ nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại của môi trường làm việc.
Chưa kể, số năm lao động của thợ lò thường ngắn hơn so với các ngành nghề khác, thậm chí nhiều người chỉ làm việc đến khoảng 45-46 tuổi là xin chuyển việc khác vì không còn đủ sức khỏe. Một thợ lò của Công ty CP than Hà Lầm cho biết, dựa trên mức thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, sau khi được trừ gia cảnh, thuế thu nhập phải nộp là khoảng 21 triệu đồng.
Theo ông Vũ Đình Việt – Chủ tịch Công đoàn Cty CP than Vàng Danh – việc áp thuế thu nhập chỉ căn cứ vào thu nhập, chứ không tính đến đặc thù công việc nên có phần thiệt thòi cho thợ lò. Việc miễn, giảm thuế thu nhập cũng là một trong những giải pháp để thu hút và giữ chân thợ lò.
Năm 2021, TKV khai thác được 39 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 44 triệu tấn than sạch các loại. Tiền lương thực trả toàn Tập đoàn bình quân là 13 triệu đồng/người/tháng.
https://soha.vn/tho-mo-o-viet-nam-bat-ngo-luong-sieu-khung-cao-gan-bang-lanh-dao-trung-quoc-campuchia-20220114111749465.htmTheo Tất Đạt
Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.90205145171102202-a-uahc-oad-hnal-cac-iov-os-ihk-gnoul-cum-ogn-tab-man-teiv-o-om-oht/nv.zibefac