Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đe dọa sẽ hành động mạnh mẽ để làm tổn hại vị thế chiến lược của Moscow nếu Nga tấn công Ukraine, đồng thời dùng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của quốc gia này.
Phát biểu với đài CBS News hôm 17-1, ông Sullivan cho biết Washington vẫn thường xuyên liên lạc với “các đồng minh và đối tác” và đang tích cực lên kế hoạch đối phó một cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Nga.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng nếu Nga muốn giải quyết mọi chuyện bằng con đường ngoại giao” - ông Sullivan nói, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ cùng các đồng minh và đối tác đều đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc đó.
"Còn nếu Nga muốn đi theo con đường chiến tranh và muốn làm căng thẳng leo thang, chúng tôi cũng sẵn sàng cho điều đó, với một phản ứng mạnh mẽ sẽ làm mất vị thế chiến lược của họ” - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh.
Hình ảnh chụp Nhà Trắng từ bên ngoài ở thủ đô Washington D.C, Mỹ. Ảnh: RT
Theo ông Sullivan, Mỹ và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đang cùng nhau làm việc để tạo ra một kịch bản trong đó khối quân sự do Mỹ đứng đầu sẽ vượt lên, trong khi Nga xuất hiện “ở một vị trí chiến lược yếu hơn”.
“Nếu Nga tấn công Ukraine, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của họ, đi vào vị trí chiến lược của họ ở châu Âu, nhằm tăng cường sự đoàn kết của NATO” - ông Sullivan tuyên bố.
Một tuần trước đó, ông Sullivan còn cho rằng Moscow đang chuẩn bị "bằng chứng ngụy tạo" để biện minh cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, sau những cáo buộc cho rằng Nga đã bố trí hơn 100.000 quân ở biên giới hai nước để chuẩn bị cho một cuộc chiến.
Sau đó, một báo cáo của đài CNN trích dẫn các nguồn ẩn danh từ cộng đồng tình báo Mỹ còn cho rằng Nga đang chuẩn bị thực hiện một chiến dịch "cờ giả" - một kế hoạch đổ lỗi cho Ukraine để từ đó lấy cớ tấn công.
Cũng vào tuần trước, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân chủ đã đưa ra một dự luật bao gồm các hạn chế có thể áp đặt lên Nga trong trường hợp căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề ở Ukraine.
Dự luật bao gồm đề xuất áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Mikhail Mishustin. Dự luật cũng nhắm vào các ngân hàng Nga và các ngành công nghiệp khác của nước này.
Thủ đô Moscow, Nga, được chụp vào ngày 20-10-21. Ảnh: RT
Tranh cãi trong việc cắt đứt Nga khỏi hệ thống trao đổi ngân hàng toàn cầu
Bên cạnh đó, tờ báo Handelsblatt của Đức cũng đưa tin rằng Washington và Berlin đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt "có mục tiêu" đối với các ngân hàng lớn nhất của Nga trong trường hợp Moscow tấn công Ukraine.
Thông tin trên được đưa ra vào ngày 17-1, đi cùng với tin cho biết các nhà lãnh đạo phương Tây đã loại trừ khả năng ngắt Nga khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), trong khi chính phủ Mỹ lại có những ý kiến trái ngược với quyết định này.
“Không có lựa chọn nào là không thể bàn luận thêm” - Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói với các phóng viên hôm 17-1.
Sự phủ nhận của Washington được đưa ra sau khi Handelsblatt đưa tin rằng trên thực tế, Mỹ đã từ bỏ những mối đe dọa từ việc loại Nga khỏi SWIFT trong các cuộc đàm phán với chính phủ Đức.
Theo đó, nếu SWIFT cắt đứt quan hệ với các ngân hàng Nga, Đức sẽ không có cách nào thanh toán cho Moscow các hợp đồng khí đốt của mình, đồng thời có thể khiến giá dầu và lương thực tăng cao.