Các đảo của Tonga bị bao phủ bởi tro bụi - Ảnh: UNOSAT
Chuyến bay đánh giá thiệt hại của New Zealand trở về từ Tonga và các hình ảnh vệ tinh của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cho chúng ta thấy cái nhìn rõ nét về thiệt hại của vụ phun trào núi lửa ở quốc gia hơn 105.000 dân này.
Ảnh chụp từ trên không của Nomuka, một hòn đảo nhỏ ở phía nam của nhóm đảo Haʻapai, cho thấy rõ đất đai và cây cối bị bao phủ trong tro bụi.
Bên phải là đảo Nomuka sau vụ phun trào - Ảnh: UNOSAT
Hình ảnh vệ tinh do LHQ ghi lại tiết lộ cảnh tượng tương tự ở Kolomotua, Tongatapu, Fafaa, và Kolofo’ou. Chỉ có một số tòa nhà đứng vững, những tòa nhà khác dường như đã sụp đổ và toàn bộ cảnh quan bị phủ một lớp tro xám.
Tại sân bay quốc tế Fua’amotu, đường băng dường như đã bị ngập nước và bị bụi bẩn bao phủ. Các hình ảnh vệ tinh khác cho thấy lũ lụt đã tràn vào nhiều dãy nhà gần biển.
Nhiều tòa nhà ven biển bị hư hại - Ảnh: UNOSAT
Vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha‘apai dưới đáy biển cách thủ đô của Tonga 65km về phía bắc được cho là sự kiện phun trào núi lửa lớn nhất trong 30 năm.
Ban đầu, mạng xã hội lan truyền nhiều video và hình ảnh từ sóng thần do vụ phun trào gây ra, nhưng sau đó rất ít hình ảnh được đăng tải do liên lạc từ Tonga bị hạn chế vì mất điện và Internet.
Người phát ngôn của Southern Cross Cable, công ty vận hành cáp biển trong khu vực, cho biết cáp biển nối Tonga với thế giới bên ngoài đã bị đứt ở vị trí khoảng 37km tính từ bờ biển. Người dân Tonga ở nước ngoài có thể phải đợi nhiều tuần để liên lạc được khôi phục.
Ảnh vệ tinh cho thấy tòa nhà bị hư hại và nước biển đã tràn vào đảo - Ảnh: UNOSAT
Ngày 18-1, Bộ Ngoại giao New Zealand xác nhận có 2 người thiệt mạng ở Tonga do thảm họa, bao gồm một công dân Anh.
Hiện chưa có thông tin chính thức về thương vong từ chính quyền Tonga, nhưng gia đình của Angela Glover, một phụ nữ người Anh sống ở Tonga mất tích trong trận sóng thần, cho biết thi thể của cô đã được tìm thấy vào ngày 17-1.
Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta nói tro bụi có thể cản trở việc vận chuyển viện trợ vào Tonga bằng máy bay.
Sân bay Nuku’alofa đầy tro bụi sau vụ phun trào (phải). Tro bụi khiến máy bay vận tải C-130 Hercules chở hàng cứu trợ chưa thể hạ cánh - Ảnh: MAXAR
Trong cuộc họp báo vào ngày 17-1, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ cho biết đảo chính Tongatapu bị thiệt hại đáng kể về cơ sở hạ tầng. “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về hai hòn đảo nhỏ nằm ở vùng trũng thấp - Mango và Fonoi - sau các chuyến bay thị sát của New Zealand và Úc xác nhận có thiệt hại đáng kể về tài sản", LHQ cho biết.
Núi lửa Hunga Tonga Hunga Ha’apai vào ngày 18-1 - Ảnh: AP
New Zealand đã điều động hai tàu hải quân chở nước và các vật tư viện trợ khác tới Tonga, đồng thời tăng thêm 500.000 đôla New Zealand (339.000 USD) hỗ trợ nhân đạo, nâng tổng số tiền tài trợ ban đầu lên 1 triệu đôla.
Màu xanh của cây cối đã chuyển thành màu xám của bụi - Ảnh: UNOSAT
Máy bay Orion của lực lượng không quân Hoàng gia New Zealand rời Auckland vào sáng 17-1, bay qua nhóm đảo Ha’apai và đảo chính Tongatapu, để đánh giá thiệt hại và kiểm tra đường băng có thông thoáng cho các máy bay cứu trợ hạ cánh hay không.
Lực lượng quốc phòng Úc cũng đã cử máy bay giám sát trong cùng ngày để đánh giá thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng như đường sá, bến cảng và đường dây điện.
Quốc đảo Tonga đang kêu gọi viện trợ khẩn cấp nước ngọt và thực phẩm sau khi núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào hôm 15-1. Khu vực nhà dân đầy bụi - Ảnh: MAXAR
TTO - Quốc đảo Tonga đang kêu gọi viện trợ khẩn cấp nước ngọt và thực phẩm sau khi núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào hôm 15-1.
Xem thêm: mth.47154202181102202-naht-gnos-aul-iun-pek-aoh-maht-uas-agnot-o-neit-uad-hna-hnih-gnuhn/nv.ertiout