Ảnh chụp thiệt hại trên một đảo của Tonga từ máy bay của New Zealand - Ảnh: New Zealand defence force
Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ văn phòng Thủ tướng Siaosi Sovaleni ngày 18-1 cho biết toàn bộ nhà cửa trên đảo Mango, một đảo nhỏ có 50 người sinh sống, đã bị san bằng. Đảo Mango chỉ nằm cách ngọn núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai khoảng 70km.
Trong khi đó, trên đảo Fonoifua chỉ còn 2 ngôi nhà và đảo Namuka cũng bị tàn phá nặng nề.
Tonga xác nhận 3 người đã thiệt mạng, trong đó có 1 công dân Anh và 2 người dân trên đảo Mango và Namuka, một số người bị thương. Hải quân nước này đã vận chuyển nước uống, lương thực và lều cùng đội ngũ y tế tới các hòn đảo.
Theo văn phòng ông Sovaleni, những cơn sóng thần cao đến 15m ập vào cụm đảo Ha’apia, trong đó có đảo Mango, và phía tờ tây của đảo chính Tongatapu của Tonga. Khoảng 56 ngôi nhà ở phía đảo Tongatapu bị phá hủy và người dân nơi đây đang được đưa vào các trung tâm trú ẩn.
Do Tonga vẫn chưa thể nối lại liên lạc với thế giới, những thông tin về thiệt hại từ thảm họa núi lửa, sóng thần đến nay chủ yếu được quan sát qua vệ tinh và ảnh từ các máy bay thăm dò.
Hình ảnh mới nhất từ máy bay thăm dò của New Zealand cho thấy nhà cửa tại nhiều khu vực của Tonga bị tàn phá và tro bụi từ núi lửa bao trùm.
"Mọi người hoảng loạn, tháo chạy và bị thương. Có thể sẽ có thêm người chết", ông Curtis Tu’ihalangingie thuộc phái đoàn Tonga ở Úc nhận định khi xem các hình ảnh từ trên không.
Ảnh chụp trên đảo chính Tongatapu của Tonga từ máy bay của Úc - Ảnh: REUTERS
Núi lửa ngầm Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai ở ngoài khơi Tonga thức giấc ngày 15-1 và phun những đám tro bụi lớn bao phủ gần như toàn bộ hòn đảo chính của quốc đảo hơn 100.000 dân này.
Vụ phun trào không chỉ gây sóng thần ập vào các bờ biển Tonga mà còn lan rộng ra nhiều quốc gia ở Thái Bình Dương, đến tận Mỹ và Nhật Bản.
TTO - Sau khi phát nổ và phun trào vào ngày 15-1, ngọn núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ở quần đảo Tonga có thời điểm phóng điện đến 200.000 lần trong một giờ, theo tạp chí khoa học National Geographic.