vĐồng tin tức tài chính 365

Khách ngoại muốn mua hàng, doanh nghiệp Việt không dám bán

2022-01-19 07:17

Dù đơn đặt hàng đầu năm 2022 từ khách hàng nước ngoài rất nhiều nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại không dám nhận, không dám ký. Đó là nghịch lý được đại diện nhiều công ty nêu ra tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho DN xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh dịch COVID-19”. Hội thảo do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM tổ chức ngày 18-1.

Lo mất khách hàng nước ngoài

Thiếu nhân công, nguyên vật liệu tăng giá là những khó khăn mà các công ty trong ngành đồ gỗ đang phải đối diện. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết hiện nay gỗ, thép, xăng dầu và đặc biệt là phí vận chuyển tăng rất mạnh. Vì vậy dù sản xuất tất bật nhưng lợi nhuận không được bao nhiêu.

“Thậm chí có nhiều đơn hàng chúng tôi không dám ký với đối tác vì không có lợi nhuận hoặc không đáp ứng được các đòi hỏi về thời gian giao hàng” - ông Phương chia sẻ.

Ngoài ra, ông Phương nêu thực tế hiện nay tiêu chuẩn mua hàng tại thị trường châu Âu khó hơn. Trước đây đối tác chỉ đòi hỏi gỗ có nguồn gốc hợp pháp rồi đến các tiêu chuẩn về lao động. Nay họ yêu cầu tiêu chuẩn về môi trường, tính bền vững. Ví dụ như vấn đề tái chế, quản lý môi trường trong nhà máy, bao bì sản phẩm… 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cũng cho hay trong những ngày đầu năm 2022, nhiều công ty đã xuất khẩu hàng chục tấn hàng hóa sang thị trường các nước. Từ đó dự báo năm nay thị trường xuất khẩu sẽ khả quan.

Khách ngoại muốn mua hàng, doanh nghiệp Việt không dám bán - ảnh 1
Thị trường nhập khẩu đang khả quan nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ lại gặp khó vì thiếu nhân công, giá cước vận tải biển tăng cao. Ảnh: Q.HUY

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh mới, nhà xuất khẩu đối diện với không ít khó khăn khi giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng 15%-40% so với thời điểm trước dịch và phí dịch vụ logistics cũng tăng cao. Đặc biệt, cước vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã tăng gấp 5-6 lần, thậm chí 10 lần và thời gian vận chuyển kéo dài thêm hàng tháng so với trước khi xảy ra dịch COVID-19. Đây là những nguyên nhân chính khiến các nhà xuất khẩu tỏ ra khá thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới từ đối tác nước ngoài.

Bà Chi nhấn mạnh: “Nhà xuất khẩu Việt Nam lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài đang rơi vào thế bị động. Trong khi đó, họ rất khó để điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm do hầu hết đơn hàng đã ký trước và phải duy trì tính cạnh tranh để giữ khách hàng cũng như tạo việc làm cho người lao động”.

Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, lo ngại do các DN Việt Nam không đảm bảo được sản xuất nên đã có sự dịch chuyển đơn hàng sang vùng lãnh thổ và quốc gia khác. Thậm chí nếu tình trạng này diễn ra nhiều thì các nhà xuất khẩu nước ta sẽ đối mặt với nguy cơ mất khách hàng do sự thay đổi chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, để ứng phó trước nguy cơ trễ đơn hàng, hư hỏng hàng hóa, đền hợp đồng…, các công ty Việt chấp nhận chuyển từ vận tải đường biển sang đường hàng không. Tuy nhiên, vận chuyển bằng hình thức này chi phí cao, không có lợi nhuận thậm chí thua lỗ.

“Đó là chưa kể thủ tục hành chính còn chưa thông thoáng. Ví dụ như thủ tục điều chỉnh MNF (bản khai hàng hóa) thay đổi cảng đích giữa các cảng cùng nằm trong khu vực TP.HCM còn gây khó khăn và làm phát sinh chi phí cho DN. Một số quy định như chưa cho kiểm hóa hộ đối với hàng xuất cũng gây khó khăn cho DN” - ông Cường dẫn chứng.

Để không bị động trong xuất khẩu

Bà Lý Kim Chi cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho DN và tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, các bộ, ngành cần có giải pháp thúc đẩy phát triển chuỗi dịch vụ logistics, hệ thống kết nối dữ liệu và thương mại điện tử. Như vậy mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu. Đồng thời cần tăng cường ký kết các thỏa thuận hợp tác hoặc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra giữa Việt Nam và các nước đối tác nhằm giảm bớt các thủ tục hải quan.

“Chúng ta cũng cần tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu. Các tỉnh, thành nên chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế cũng như thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho những mặt hàng này vào thị trường có nhu cầu phù hợp” - bà Chi khuyến nghị.

Ông Huỳnh Văn Cường kiến nghị các đơn vị hữu trách gấp rút hệ thống hóa từng văn bản pháp lý về các lĩnh vực như đường bộ, đường thủy, quy ước quốc tế… Từ đó xác định những rào cản, hạn chế, chồng chéo và có giải pháp tháo gỡ ngay. Bên cạnh đó, các cảng thuộc sự quản lý của Hải quan TP.HCM cần được xem là một thể thống nhất để tạo điều kiện cho luân chuyển linh hoạt luồng hàng giữa các cảng thay vì áp dụng thủ tục phức tạp như hiện nay.

Ngoài ra, ông Cường cho rằng bản thân các công ty xuất nhập khẩu, logistics nên chủ động lựa chọn các giải pháp, địa điểm, cách thức giao nhận mới thay vì truyền thống. Chẳng hạn có thể tăng cường giao nhận hàng hóa ngay tại cảng sông gần với nhà máy.

“Tôi cũng cho rằng các công ty sản xuất nên lập bản đồ phân loại và lựa chọn các nhà cung cấp nguyên liệu theo mức độ rủi ro thấp, trung bình hoặc cao. Đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên vật liệu, cơ sở cung ứng, gia tăng thêm kho chứa hàng… để không bị động về kế hoạch sản xuất và xuất khẩu” - ông Cường khuyến nghị. 

Thành lập trung tâm logistics liên kết vùng

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu thuộc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết: Trong giai đoạn 2022-2030, TP.HCM sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối vận tải đa phương thức. Cụ thể, TP sẽ thành lập trung tâm logistics theo hướng đây là trung tâm dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu của vùng Đông - Tây Nam bộ.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ công bố danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, xuất khẩu gắn với thị trường cần xúc tiến thương mại. Điều này nghĩa là sẽ thực hiện hoạt động xúc tiến theo danh mục.

Đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng cho hay đang kiến nghị Chính phủ có chiến lược phát triển đội tàu Việt Nam. Bởi hiện nay hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gần như đều phụ thuộc vào hãng tàu quốc tế. Bên cạnh đó, hiệp hội kiến nghị Chính phủ có chiến lược phát triển vận tải hàng hóa bằng đường hàng không Việt Nam để hỗ trợ hàng “Made in Vietnam” tiếp cận thị trường toàn cầu. 

Xem thêm: lmth.1579301-nab-mad-gnohk-teiv-peihgn-hnaod-gnah-aum-noum-iaogn-hcahk/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khách ngoại muốn mua hàng, doanh nghiệp Việt không dám bán”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools