Hôm 18-1, Mỹ đã nâng mức cảnh báo về khả năng Nga tấn công Ukraine và đe doạ sẽ Moscow sẽ gặp nguy nếu có ý định nhằm vào Kiev. Phía Ukraine cũng nói rằng Moscow sẽ viện cớ bảo vệ công dân Nga để tấn công nước này.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Washington tin rằng tình hình căng thẳng Ukraine đang “ở giai đoạn mà Nga có thể phát động một cuộc tấn công vào Ukraine vào bất kỳ thời điểm nào” và nói rằng khả năng này chắc chắn hơn bao giờ hết, kênh Channel News Asia đưa tin.
Bà Psaki khẳng định: "Tổng thống Putin đã tạo ra cuộc khủng hoảng này" và nhắc lại cảnh báo rằng Mỹ sẽ áp những lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề nhất từ trước đến nay nếu Nga tấn công Ukraine.
Bà cũng cảnh báo rằng nếu các lệnh trừng phạt này được áp đặt thì Nga sẽ rơi vào "tình hình vô cùng nguy hiểm".
Binh sĩ Nga được triển khai ở sát biên giới Ukraine. Ảnh: MOSKVA NEWS AGENCY
Bà Psaki nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt có thể bao gồm việc tạm dừng đường ống dẫn khí tự nhiên Nord Stream 2 từ Nga sang Đức. Đây là một trong những đường ống quan trọng cung cấp năng lượng cho châu Âu, đồng thời cũng là một nguồn lợi xuất khẩu khí tự nhiên lớn của Nga.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine với cái cớ rằng Moscow cần bảo vệ công dân của mình ở vùng Donbass, đài RT hôm 18-1 đưa tin.
Hôm 17-1, Văn phòng Tổng thống Zelensky đã công bố một thông báo trên trang web của mình sau cuộc họp giữa ông Zelensky với đoàn thượng nghị sĩ Mỹ.
Theo thông báo, Nga tiếp tục thực hiện chiến dịch cấp hộ chiếu cho người dân ở các vùng lãnh thổ mà Ukraine coi là đất của mình nhưng “bị chiếm đóng” như vùng Donbass, nhằm tạo cớ leo thang với danh nghĩa “bảo vệ công dân Nga”.
Các nhà chức trách Ukraine vào tháng 12-2020 thông báo rằng họ sẽ không chấp nhận hộ chiếu Nga cấp cho những người sống ở Donbass hay Crimea. Ukraine cho rằng những người dân ở các khu vực này là công dân của mình và những người nhận hộ chiếu Nga có sẽ bị xử phạt.
Hàng chục nghìn binh sĩ Nga cùng nhiều vũ khí hạng nặng đã được triển khai ở biên giới sát Ukraine. Mặc dù Nga một mực khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine nhưng phương Tây vẫn lo ngại khả năng này và đang tích cực tiến hành đàm phán nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh ở phía đông châu Âu.
Hôm 19-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bay đến Ukraine để hội kiến với lãnh đạo nước này. Chặng dừng tiếp theo của ông Blinken là thủ đô Berlin (Đức) để gặp các đồng minh châu Âu vào ngày 20-1 và ở Geneva (Thuỵ Sĩ) để hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào ngày 21-1.