Tại khu vực trung tâm TPHCM, Gojek đang gắn biển hiệu quảng cáo với nội dung “Tặng 300K”. Vậy K là đơn vị tiền tệ nào, trong khi đơn vị tiền tệ của Việt Nam là "Đồng", đã làm nhiều người khó hiểu, nhất là du khách nước ngoài.
“Tặng 300K..." được hiểu như thế nào?
Những ngày qua, người đi đường tại khu vực trung tâm TPHCM dễ dạng nhận thấy biển hiệu quảng cáo của hãng vận tải công nghệ Gojek với chương trình khuyến mãi "Tặng 300K...".
Theo đó, Gojek đang gắn biển hiệu quảng cáo rộng lớn tại Ngã sáu Phù Đổng (quận 1, TPHCM) với nội dung "VÙNG FREESHIP MỞ RA, Tiếp lửa cho mọi nhà, Tặng 300K cho bạn mới”. Nhiều người đi đường khó hiểu "Tặng 300K" là đơn vị tiền tệ gì và có nghĩa như thế nào, bởi đơn vị tiền tệ của Việt Nam là đơn vị Đồng (viết tắt là Đ) .
Chị Phạm Thị Ái, sinh viên ngành ngân hàng cho biết, nhìn vào biển hiệu quảng cáo của Gojek "Tặng 300K cho bạn mới..." thì chị hiểu là hãng vận tải công nghệ này sẽ tặng 300 nghìn đồng cho những ai mới đăng ký tham gia.
"Ngôn ngữ 10K, 20K, 30K,... nhiều bạn trẻ hay dùng và được hiểu tương ứng là 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng, 30 nghìn đồng... Thay vì viết thêm 3 số 0, nhiều cửa hàng buôn bán nhỏ cũng viết K thay cho 000 và trở nên phổ biến hiện nay.
Tuy nhiên, Gojek là một doanh nghiệp kinh doanh lớn, có độ lan tỏa đến nhiều người nên cần phải sử dụng đúng quy định đơn vị tiền tệ, viết K như vậy không chỉ sai quy định mà còn gây khó hiểu cho những người lớn tuổi và du khách nước ngoài" - chị Ái nói.
Anh Nguyễn Hoàng Dy Khoa - Chuyên gia truyền thông cho rằng, biển quảng cáo đã thể hiện thông điệp và phân khúc khách hàng mà họ hướng đến. Trong đó, đối tượng này là những người hiểu được chữ "K" kia tương đương với giá trị nghìn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguyên nhân chủ quan do đội ngũ marketing theo thói quen sử dụng từ viết tắt như hằng ngày.
"Trên bảng quảng cáo này, họ đã thiếu đơn vị tiền Việt Nam đồng, đây là điều bắt buộc khi niêm yết giá tại Việt Nam. Ngoài ra, theo nguyên tắc truyền thông, việc quảng bá phải đạt đến mức độ thông hiểu cao nhất, tức là ai đọc bảng quảng cáo này phải hiểu được" - anh Khoa nói.
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại khu vực trung tâm TPHCM, các biển hiệu quảng cáo của các doanh nghiệp khác khi ghi số tiền đều ghi đơn vị tiền tệ Việt Nam là "Đồng". Ngay cạnh biển hiệu quảng cáo của Gojek, có biển hiệu quảng cáo của doanh nghiệp A.Q và đơn vị này cũng ghi rõ ra số tiền khuyến mãi là "500.000Đ", trong khi đó Gojek lại ghi "300K".
Có thể bị xử phạt và buộc tháo dỡ
Luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát- Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định, hiện trong giới trẻ hoặc trong sinh hoạt hằng ngày, nhiều người hay dùng chữ “K” trong khi nói đến giá trị một loại hàng hóa hoặc liên quan đến tiền.
Chữ “ K” được hiểu là “nghìn”, một số quán ăn, cửa hàng ghi giá có đính kèm chữ “K”, ví như tô phở có giá 30K, có nghĩa là 30 nghìn đồng.
"Thế nhưng, theo quy đinh của pháp luật, đặc biệt là Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, thì tại Điều 16 có quy định về “đơn vị tiền”. Theo đó, đơn vị tiền của nước ta là “Đồng”, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”. Như vậy “K” không là ký hiệu để nói và viết liên quan đến tiền Việt Nam. Vì vậy, khi các doanh nghiệp thực hiện việc quảng cáo theo quy định của Luật quảng cáo năm 2012, có nội dung quảng cáo liên quan đến giá hàng hóa hoặc liên quan đến tiền, buộc lòng họ cũng phải thực hiện theo quy định nêu trên" - luật sư Phát nói.
Luật sư Lê Trung Phát phân tích thêm, trường hợp biển quảng cáo của doanh nghiệp Gojek ghi "300K", thì có thể có hai trường hợp xảy ra mà chúng ta cần quan tâm đến:
Một là doanh nghiệp có xin cấp phép quảng cáo theo quy định của Luật quảng cáo hay không. Trường hợp nội dung quảng cáo này có ghi 300K để nói về giá, về tiền khuyến mãi mà cơ quan cấp phép vẫn đồng ý cấp phép cho nội dung này, thì cơ quan cấp phép đã cấp phép sai.
Hai là doanh nghiệp sau khi được cấp phép nội dung quảng cáo, họ có làm đúng với nội dung đã được cấp phép hay chưa. Nếu họ được cấp phép có nội dung liên quan nhưng trong đó ghi là 300 nghìn đồng, mà sau đó khi tiến hành in và treo biển quảng cáo, họ lại ghi 300K, thì như vậy doanh nghiệp đã sai.
"Trường hợp doanh nghiệp thực hiện việc quảng cáo sai so với nội dung đã được cấp phép, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm D khoản 3 Điều 42 Nghị định 38/2021.
Doanh nghiệp bị xử phạt do có hành vi “sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền” với số tiền bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ quảng cáo" - luật sư Phát phân tích.
Xem thêm: odl.701699-mahp-iv-oc-oan-et-neit-iv-nod-al-k003-gnat-oac-gnauq-kejog/taul-pahp/nv.gnodoal