Cùng với nhận thức nâng cao từ người tiêu dùng, chuyển đổi xanh trong ngành dệt may, đang trở thành hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng ngành dệt may tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Những doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu, càng phải quan tâm đến vấn đề này.
Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Kết nối Thời trang (Faslink JSC) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này. Thành lập từ năm 2008, Faslink được hợp nhất từ Công ty Cổ phần May mặc Xuân Phương Nam và Công ty Vải sợi May mặc An Thuận Phát.
Theo đuổi định hướng "mặc khỏe để sống xanh", các nguyên liệu xanh của Fastlink được tạo nên từ các yếu tố có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường sống, an toàn cho sức khỏe người dùng, dễ dàng chế tác trong may mặc và có thể tự phân hủy theo thời gian.
Những sản phẩm tiêu biểu trong bộ sưu tập mà Faslink hợp tác với các nhà thiết kế trẻ tài năng, sử dụng nguyên liệu vải có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Faslink đã đầu tư nhiều xưởng sản xuất với tổng diện tích 10.000 m2, trang bị hơn 300 thiết bị hiện đại và bộ rập cải tiến, cũng như hợp tác R&D với nhiều trung tâm nghiên cứu sản xuất nguyên liệu công nghệ nổi tiếng trên thế giới.
Faslink hiện có 5 loại sợi vải 'xanh' từ tự nhiên, bao gồm: sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại, mang lại đặc tính vượt trội về độ mềm mịn, bền đẹp và thời trang.
Những loại sợi có nguồn gốc từ thiên nhiên của Faslink.
Đồng thời, trong suốt 14 năm theo đuổi thời trang bền vững, Faslink luôn nỗ lực nghiên cứu chất liệu, thử nghiệm và cải tiến form dáng sản phẩm, tối ưu quy cách kỹ thuật may để cho ra đời những dòng sản phẩm nguyên liệu, may mặc vượt trội về chất lượng, thẩm mỹ và tính tiện ích.
Tổng Giám Đốc Fastlink - bà Trần Hoàng Phú Xuân
Tổng Giám Đốc Fastlink - bà Trần Hoàng Phú Xuân, tiết lộ: "Tại Faslink chúng tôi khơi dậy và thúc đẩy tinh thần tự học hỏi, tự tìm kiếm những nguồn lực, sáng tạo và nỗ lực không ngừng để tìm ra những giải pháp mới, hướng tới ngành thời trang bền vững, thân thiện với môi trường.
Hành trình tạo nên những sợi vải xanh từ bã cà phê, lá và thân sen, vỏ sò, than vỏ dừa, cellulose bạc hà…của chúng tôi; không chỉ bắt nguồn từ ý tưởng và xu hướng trong kinh doanh mà gắn liền với sự đam mê, khát vọng mạnh mẽ phát huy giá trị của những nguyên liệu được xem là bình thường, ít giá trị trong tự nhiên. Những sợi vải xanh đã tạo nên những bước đi mới, thúc đẩy sự phát triển sáng tạo trong ngành công nghiệp dệt may và thời trang".
Hơn nữa, theo vị Tổng Giám đốc này, thì cam kết chuyển đổi xanh của Faslink không chỉ tập trung vào nguyên liệu xanh, mà còn hướng tới ‘xanh hoá’ các hoạt động sản xuất, vận hành, phân phối và tiếp thị trong chiến lược kinh doanh của mình. Họ muốn theo đuổi hệ sinh thái thời trang bền vững (eco-fashion).
Đã đến lúc phải suy nghĩ lại về lĩnh vực may mặc và hướng tới một loại hình công nghiệp mới, khởi nguồn từ nguyên liệu xanh, nguyên liệu công nghệ. Là mắt xích không thể tách rời trong chuỗi cung ứng, Faslink cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi xanh trong ngành dệt may.
Một vài công nghệ may mặc đồng phục tiêu biểu của Faslink.
Còn theo ông Trần Như Tùng – Chủ nhiệm Chương trình Phát triển bền vững Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kiêm Chủ tịch Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công; thì ông cảm thấy ngưỡng mộ Faslink. Lý do là bởi con đường làm thời trang xanh vô cùng gian khổ và không phải ai cũng đủ dũng cảm để đi theo.
"Là công ty có 46 năm tuổi, chúng tôi rất hiểu những rào cản trong vấn đề này. Thời trang xanh là con đường rất khó, không có nhiều người chịu đầu tư vì chi phí cao, khi đầu tư không thể có kết quả liền. Tức phải trường vốn, kiên nhẫn để đầu tư dài hơi và kết quả không tới trong 1 đến 2 năm. Vậy nên, thực tế là rất ít công ty thực sự dấn thân vào lĩnh vực này.
Phần mình, cách đây 6 đến 7 năm, Thành Công cũng đã quyết định tham gia mảng thời trang này, khi đầu tư 1 phòng R&D, rồi mời tiến sỹ dệt may người Hàn Quốc về dẫn dắt. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư con người, thiết bị và máy móc cho lĩnh vực thời trang xanh.
Chúng tôi đã tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín – thu nhỏ bên trong doanh nghiệp, để các nhân tài có điều kiện để thử nghiệm từ A đến Z, từ tạo ra sợi vải đến thành phẩm đầu cuối là áo quần.
Thành quả là Thành Công đã sản xuất và phân phối được các sản phẩm từ sợi tái chế, hoặc vải sợi từ vỏ chai, bắp hoặc nguyên liệu từ thiên nhiên như Faslink. Những nguyên liệu xanh này rất được các thương hiệu thời trang từ Nhật Bản, Adidas hay North Face…ưa chuộng.
Thời trang xanh là xu hướng tất yếu mà tất cả công ty trong ngành phải theo, buộc phải làm và không có sự lựa chọn nào khác cả. Trong tương lai, không chỉ Thành Công, mà các công ty khác trong ngành phải đầu tư nhiều hơn để tạo ra các phòng lab nhỏ, thiết bị và cả nhân lực cho mảng thời trang này", ông Trần Như Tùng khẳng định.
Ông Trần Như Tùng – Chủ nhiệm Chương trình Phát triển bền vững VITAS kiêm Chủ tịch Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công
Hơn nữa, theo ông Tùng, thì doanh nghiệp may mặc dù lớn nhỏ đều nên có phòng R&D, bởi nhờ chiến lược này mà Thành Công đã tránh được ‘1 bàn thua trông thấy’.
Năm 2020, do Covid-19 mà nhiều đơn hàng may mặc của họ xuất khẩu qua Mỹ bị đình trệ/bị hủy. Nhưng nhờ có sẵn phòng R&D, Thành Công đã nhanh chóng sản xuất được sợi – khẩu trang phù hợp với tiêu chuẩn của FDA, thuận lợi xuất khẩu sang thị trường này. Thậm chí, các đơn hàng khẩu trang đã bù được các đơn hàng thời trang thường bị thiếu trong suốt năm 2020 của Thành Công.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng văn phòng đại diện TP.HCM của VITAS, cũng cho rằng: càng tham gia nhiều FTA hay cuộc chơi chung của thế giới, thì các doanh nghiệp cả Việt Nam lẫn FDI buộc phải đi theo xu hướng xanh trong thời trang.
"Bây giờ, khi tham gia ngành dệt may – thời trang, các doanh nghiệp Việt phải quan tâm tới môi trường thiên nhiên lẫn môi trường xã hội. Động thái này không chỉ để làm CSR, mà các công ty phải bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo vệ các quyền lợi khác nhau của người làm ra sản phẩm.
Hay nói cụ thể hơn, khi mà Việt Nam tham gia các Hiệp định quốc tế, thì chúng ta phải cam kết với thế giới về lao động và môi trường: thời trang phải ‘sạch’ từ nguyên liệu trở đi, gốc nguyên liệu từ bông cũng phải sạch, tôn trọng người lao động trồng bông – tôn trọng nhân quyền của họ.
Theo đó, các doanh nghiệp trong nước lẫn FDI phải đi theo xu hướng đó, không có sự lựa chọn nào khác và phải hằng ngày thực hành phát triển bền vững", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai bày tỏ.
Hiện tại, Việt Nam mình vẫn đang tích cực tham gia các chương trình bảo tồn thiên nhiên của thế giới, ‘xanh hóa’ ngành dệt may để tạo ra những sản phẩm phát triển bền vững. Đã từ lâu, người Đài Loan làm việc này rất tốt, khi từ 3 cốc bã cà phê và 5 chai nhựa, họ có thể kéo sợi và làm ra 1 chiếc áo polo; như cách sử dụng nhựa tái chế để bảo vệ môi trường.
http://tintuc.vdong.vn/01/1188945.htmQuỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị