Tỉ phú Jack Dorsey - Ảnh: AFP
Ông quyết định trao tặng 1 tỉ USD cho công cuộc chống đại dịch COVID-19.
Cuộc sống quá ngắn ngủi, vì vậy chúng ta hãy làm mọi thứ có thể để giúp đỡ mọi người ngay bây giờ.
Tỉ phú JACK DORSEY
Tiền từ thiện tác động trực tiếp đến cuộc sống người nghèo
Số tiền 1 tỉ USD của tỉ phú Jack Dorsey gây ấn tượng ở chỗ trước đó năm ngày, tỉ phú Jeff Bezos (người sáng lập Công ty công nghệ Amazon) thông báo trao 100 triệu USD cho các ngân hàng lương thực Mỹ và tỉ phú Mark Zuckerberg (người đồng sáng lập Facebook) cùng phu nhân thông báo tài trợ 25 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu các liệu pháp điều trị COVID-19.
Để chứng minh hoạt động từ thiện minh bạch, ông Dorsey giải thích số tiền trao tặng có được nhờ chuyển nhượng dần số cổ phần do ông nắm giữ trong Công ty Square (hiện đổi tên là Block), công ty chuyên về thanh toán kỹ thuật số mà ông là người đồng sáng lập. Các khoản tiền được phân bổ một cách minh bạch thông qua quỹ Start Small.
Trong quá khứ Dorsey là người luôn kín đáo về hành động từ thiện của mình, tuy nhiên nhân sự kiện trao tặng 1 tỉ USD, ông đã bộc bạch trên mạng xã hội: "Điều này (vấn đề minh bạch) là điều quan trọng để những người khác và bản thân tôi có thể học hỏi từ điều đó".
Ông tin rằng ông cần phải hành động ngay "vì nhu cầu cấp bách và tôi muốn thấy ảnh hưởng (của hoạt động từ thiện) trong cuộc sống của tôi".
Ông giải thích: "Tôi hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Cuộc sống quá ngắn ngủi, vì vậy chúng ta hãy làm mọi thứ có thể để giúp đỡ mọi người ngay bây giờ".
Ông tính toán số tiền tài trợ sẽ được chăm lo cho lĩnh vực y tế và sau khi đại dịch suy yếu sẽ chăm lo vấn đề giáo dục cho các trẻ em gái cũng như tăng thu nhập tối thiểu cho nhiều triệu người thất nghiệp trong đại dịch.
Trong bài viết đăng trên trang web tài chính MarketWatch (Mỹ) vào cuối năm 2021, bà Jennifer Openshaw - người sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Girls With Impact - phân tích trong hai năm đại dịch, tương tự nữ tỉ phú MacKenzie Scott, tỉ phú Jack Dorsey đã phát triển ý tưởng rằng đồng tiền từ thiện của ông phải đến tay người nhận theo cách thức tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.
Thông thường các nhà giàu chọn các tổ chức từ thiện lâu đời và có quan hệ cá nhân thân thiết để trao số tiền từ thiện lớn. Song song đó, muốn nhận tiền phải qua một quá trình xem xét và nộp đơn kéo dài có thể mất nhiều năm với kết quả không có gì chắc chắn.
Trong khi đó, Dorsey mong muốn tiền từ thiện tác động trực tiếp đến cuộc sống những người cần giúp đỡ. Ông muốn loại bỏ căn bệnh hành chính quan liêu. Các cuộc phỏng vấn chỉ giới hạn trong 30 phút và tiền được trao gần như ngay lập tức. Các nhân viên làm việc cho ông đều trẻ tuổi và không nhất thiết phải kết nối mạng mới có thể giải quyết công việc.
Vào thời điểm tỉ phú Dorsey cam kết tài trợ 1 tỉ USD, số tiền này tương đương 28% tổng số tài sản trị giá 3,9 tỉ USD của ông. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2021, tài sản của ông đã tăng lên hơn 14 tỉ USD nhờ giá cổ phiếu của Công ty Square tăng 259% (Dorsey sở hữu 13% cổ phần trong Square).
Tạp chí Forbes ghi nhận trong vòng một năm tính từ tháng 3-2020 (đầu đại dịch) đến 3-2021, số tỉ phú đôla đã tăng từ 660 người lên 2.755 người. Số tỉ phú này sở hữu 3,5% tài sản hộ gia đình so với mức hơn 2% vào đầu đại dịch năm 2020.
Phân phát đồ ăn cho người vô gia cư ở Pensacola (bang Florida) cuối năm 2021 - Ảnh: wkrg.com
Tầng lớp siêu giàu vẫn giàu thêm
Dù cho đi nhiều nhưng Forbes ghi nhận trong năm 2021 giá trị tài sản của 10 người giàu nhất thế giới vẫn tăng thêm 402 tỉ USD.
Elon Musk là người có mức tăng tài sản nhiều nhất với 121 tỉ USD (tài sản trị giá 277 tỉ USD) và người thứ hai là Bernard Arnault (người Pháp) với mức tăng 61 tỉ USD (tài sản 176 tỉ USD). Trong hai năm đại dịch, tài sản của Elon Musk đã tăng 1.631% vì tài sản của ông vào cuối năm 2019 chỉ mới 16 tỉ USD.
Năm 2021 là năm đại dịch COVID-19 thứ hai, năm chết chóc hàng loạt và gây đau khổ cho nhiều tỉ người. Nhiều người sẽ mãi nhớ đến năm 2021 vì họ đã mất người thân mắc COVID-19, vì họ không đủ tiền trả tiền thuê nhà hoặc không còn tiền mua hàng hóa thiết yếu để sống. Dù vậy, tầng lớp siêu giàu vẫn càng giàu thêm trong đại dịch vì nhiều lý do.
Một số hưởng lợi khi phần lớn nền kinh tế thế giới chuyển sang làm việc trực tuyến trong thời kỳ phong tỏa. Một số khác giàu thêm vì giá trị tài sản như cổ phiếu tăng lên bởi thị trường tài chính tăng tốc trong quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu.
Trung tuần tháng 12-2021, Phòng thí nghiệm về bất bình đẳng toàn cầu tại Paris (Pháp) đã công bố báo cáo dày 228 trang với đầu đề "Báo cáo về bất bình đẳng thế giới năm 2022". TS kinh tế Lucas Chancel - tác giả chính của báo cáo - nhận xét: "Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng giữa những người rất giàu và phần còn lại của thế giới".
Báo cáo nêu trên được công bố bốn năm một lần là kết quả quá trình hợp tác của hàng trăm nhà nghiên cứu trên thế giới.
Lời tựa báo cáo do hai nhà kinh tế Mỹ Abhijit Banerjee và Esther Duflo (hai trong ba người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2019 về giải pháp giảm nghèo) chấp bút nhận định bất bình đẳng xã hội đang gia tăng do "tình trạng tập trung cực độ quyền lực kinh tế vào tay một thiểu số rất nhỏ những người siêu giàu".
Các báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Candid và Trung tâm Vì từ thiện trong thảm họa (CDP) được công bố trước đó đều ghi nhận phản ứng mờ nhạt đối với đại dịch COVID-19 của hầu hết các tỉ phú.
Trừ số ít như bà MacKenzie Scott và ông Jack Dorsey, tiền từ thiện dành cho đại dịch COVID-19 của đại đa số người siêu giàu ở Mỹ dao động ở mức bằng hoặc dưới 1% giá trị tài sản ròng và thường thấp đáng kể.
Trong báo cáo công bố ngày 17-1-2022, Tổ chức Oxfam ở Anh nhận định tình trạng bất bình đẳng đã góp phần gây ra cái chết của ít nhất 21.000 người mỗi ngày, hoặc cứ bốn giây lại có một người chết.
Đây là kết luận thận trọng dựa trên các trường hợp tử vong trên thế giới do không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, bạo lực giới tính, nạn đói và suy thoái khí hậu.
TS kinh tế Thomas Piketty - đồng tác giả "Báo cáo về bất bình đẳng thế giới năm 2022" - đã đề nghị cần đánh thuế đối với các bất động sản có giá trị nhất và cải cách thuế tài sản để giảm bớt khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
Đánh thêm thuế tài sản người giàu?
Tại Mỹ, lý do phổ biến để nhà giàu hoạt động từ thiện là được khấu trừ thuế và tránh bị tăng thuế.
Điều trớ trêu là chính hành động này đã tạo ra bất bình đẳng. Một khi nguồn thu thuế ít hơn, nhà nước phải giảm chi đối với các chương trình cứu đói, giúp đỡ người vô gia cư hay chăm sóc y tế. Từ đó các chương trình này cần nhiều tiền từ thiện hơn, rốt cuộc các vấn đề bất bình đẳng xã hội mà các tổ chức từ thiện đang cố giải quyết vẫn tiếp tục kéo dài.
Cuối tháng 10-2021, sau nhiều lần trì hoãn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đưa ra thông báo sẽ đánh thuế đối với "các cá nhân giàu có đặc biệt" và đưa vào ngân sách năm 2022.
Dự kiến các khoản sẽ phải chịu thuế được gọi là "giá trị thặng dư tiềm tàng", gồm các khoản lợi nhuận chưa thực hiện (lợi nhuận trên giấy, ví dụ như cổ phiếu tăng nhưng nhà đầu tư giữ chứ chưa bán).
Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá các hộ gia đình giàu có nhất ở Mỹ đang sở hữu khoảng 1.000 tỉ USD "giá trị thặng dư tiềm tàng", tương đương 3% vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ.
TTO - GS luật Lloyd Hitoshi Mayer tại Đại học Notre Dame (Mỹ) nhận định sau khi thảm họa xảy ra, mọi người đều muốn tìm cách giúp đỡ các nạn nhân nhanh nhất, và đây chính là cơ hội cho bọn lừa đảo ra tay.
Xem thêm: mth.68333200281102202-meht-uaig-gnac-nav-gnuhn-id-ohc-iouc-yk-neit-ohc-uaig-ahn-ihk/nv.ertiout