Hội thảo với 63 điểm cầu về việc thúc đẩy cho học sinh trở lại trường an toàn - Nguồn: Bộ GD-ĐT
Ngày 19-1, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế tổ chức hội thảo 'Tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục' với mục đích tìm giải pháp đưa học sinh trở lại trường sau Tết.
Hội thảo kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành cả nước, trong đó có những địa phương hiện vẫn đang là vùng dịch phức tạp.
Trong báo cáo về thực trạng chỉ đạo việc học sinh đến trường trở lại, ông Nguyễn Thanh Đề - vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) - cho biết từ ngày 27-4-2021 đến nay, có 130.014 cán bộ, giáo viên, học sinh nhiễm nhưng hiện chỉ còn 1.397 người. Trong khi đó, tổng số học sinh, giáo viên được tiêm phòng vắc xin trên toàn quốc đến nay là trên 6 triệu người. Trong đó mũi 1 đạt 90,1%, mũi 2 đạt trên 70%, mũi 3 đạt trên 28,2%.
Hiện tại các địa phương trên cả nước vẫn duy trì cả 3 hình thức dạy học: trực tuyến và qua truyền hình, trực tiếp và trực tiếp kết hợp trực tuyến, qua truyền hình. Trong đó, những địa phương đang dạy học trực tuyến và qua truyền hình hoàn toàn đang giảm đáng kể so với cuối năm 2021.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện UNICEF tại Việt Nam đã nêu nhiều hệ lụy của việc trường học đóng cửa kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất học sinh, nhiều giáo viên thất nghiệp, báo động về tình trạng thiếu giáo viên sau khi trường học mở cửa trở lại.
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Kim Sơn - bộ trưởng Bộ GD-ĐT - bày tỏ quan điểm hiện nay cả nước tiêm vắc xin đạt ở mức cao, điều kiện chữa trị được nâng cao, cải thiện, các địa phương đã có kinh nghiệm phòng chống dịch. Với kinh nghiệm các nước, đây là lúc chúng ta cần có nhũng điều chỉnh trong mở cửa trường học một cách an toàn, thực hiện một năm học chủ động, thích ứng, linh hoạt.
"Ở từng thời điểm chúng ta phải linh hoạt điều chỉnh thích ứng với thực tế có nhiều biến động như hiện nay là điều tất yếu", ông Sơn nói.
Hiện tại một số địa phương đã có dự kiến đưa 100% học sinh trở lại trường học sau Tết, nhưng vấn đề cần đặt ra là phải có những giải pháp đảm bảo an toàn và truyền thông để trấn an tâm lý cho phụ huynh, tạo đồng thuận và phối hợp thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết dự kiến ngày 7 và 8-2 sẽ cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay đang xem xét để cho học sinh mầm non và tiểu học trở lại trường theo nguyên tắc phụ huynh tự nguyện.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng Bộ Y tế, tới thời điểm hiện tại đã phủ vắc xin 2 mũi gần 100%. Học sinh từ 12-17 tuổi cũng được phủ vắc xin 2 mũi đạt tới mức miễn dịch cộng đồng. Học sinh các cấp cũng được giáo dục đầy đủ về phòng chống dịch. Đây là tiền đề cho việc xem xét mở cửa trường học ở các địa phương.
Ông Sơn đề nghị các sở y tế phối hợp với ngành giáo dục để xây dựng các kịch bản đảm bảo an toàn khi cho học sinh quay lại trường học sau Tết.
Số liệu học sinh đi học cả nước
- Dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, phổ thông có 14/63 tỉnh, thành phố (22,22%).
- Dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình có 30/63 tỉnh, thành phố (47,61%).
- Dạy trực tuyến và qua truyền hình có 19/63 tỉnh, thành phố (30,15%).
- Số đơn vị huyện/thị xã/thành phố dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 379/713 (đạt 53,15%).
* Có 43/63 tỉnh/thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trực tiếp (2.519.261/5.068.903) tỉ lệ 49,7%.
* Có 46/63 tỉnh/thành phố cho học sinh tiểu học đến trường (4.223.368/8.884.964), đạt tỉ lệ 57,37% học sinh tiểu học/cả nước.
* 53/63 tỉnh/thành phố cho học sinh THCS đến trường (3.496.361/5.704.300), chiếm tỉ lệ 61,29%. Khối THPT (1.834.764/2.751.650) học trực tiếp chiếm tỉ lệ 66,67%.
(Nguồn Bộ GD-ĐT)
TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo TP xây dựng kế hoạch để sau Tết Nguyên đán sẵn sàng cho các em từ mầm non đến lớp 6 trở lại trường với phương châm 'an toàn thì mới mở lại trường'.