Công ty Cổ phần Thép Mê Lin (mã: MEL) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 và luỹ kế cả năm 2021 với kết quả kinh doanh rất khả quan.
Theo đó, tính riêng quý IV/2021, dù doanh thu giảm hơn 51% xuống còn 162 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp đạt 13 tỷ đồng, giảm 26,7% so với quý 4/2021. Tuy nhiên, trong kỳ doanh thu tài chính tăng mạnh đạt lên 2 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm từ 7 tỷ xuống 3,8 tỷ đồng. Kết quả Thép Mê Lin báo lãi sau thuế 5,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của ban lãnh đạo công ty, lợi nhuận quý IV tăng cao hơn so với cùng kỳ 2020 vì công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác tiết kiệm các chi phí và có phát sinh thu nhập từ hợp tác đầu tư.
Lũy kế cả năm 2021, Thép Mê Lin ghi nhận doanh thu thuần ở mức 687 tỷ đồng, giảm 30%; Nhờ chi phí tài chính giảm mạnh nên lợi nhuận trước thuế 78 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng, gấp gần 8 lần năm trước. Đây cũng là con số lãi cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Công ty.
Năm 2021, Thép Mê Lin đặt mục tiêu doanh thu đạt 900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 20 tỷ đồng. Theo đó kết thúc năm 2021 Công ty mới hoàn thành được trên 76% mục tiêu về doanh thu nhưng lợi nhuận trước thuế đã cao gấp lần 3,9 mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại ngày 31/12/2021, Thép Mê Lin có 707 tỷ đồng tổng tài sản, tăng thêm hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho tăng 394 tỷ đồng lên 494 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn tăng 76 tỷ đồng lên 98 tỷ đồng. Nợ phải trả hơn 451 tỷ đồng, chủ yếu là khoản nợ ngắn hạn.
Năm 2021 là một năm rực rỡ của ngành thép xây dựng khi giá thép liên tục lập đỉnh. Mặc dù ngành thép có phần hạ nhiệt vào cuối năm, song thép xây dựng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trong năm 2022.
Đánh giá về triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19 xuyên suốt.
Trong đó, 3 trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.