Hiện vẫn chưa rõ thiệt hại do vụ phun trào núi lửa ở Tonga gây ra - Ảnh IMAGO IMAGES
Một vụ phun trào núi lửa dưới nước dữ dội trên đảo Tonga, Thái Bình Dương vào ngày 15-1 khiến các nhà khoa học đổ dồn vào việc xem xét những ngọn núi lửa dưới lòng đại dương.
"Hầu hết các núi lửa trên hành tinh của chúng ta thực sự nằm dưới đại dương - điều này không có gì đặc biệt. Chúng chỉ phun trào rất lặng lẽ (không bùng nổ) nên không ai để ý", ông Helo nói với Đài truyền hình Đức DW.
Bà Tamsin Mather, một nhà núi lửa học và giáo sư khoa học Trái đất tại Đại học Oxford (Anh), cho biết không có con số chính xác của các núi lửa dưới biển đang hoạt động, nhưng ước tính dao động khoảng hàng nghìn.
Theo ông Helo, không có sự khác biệt cụ thể nào về sự hình thành của núi lửa ngầm dưới nước và trên cạn.
Núi lửa hình thành khi đá nóng chảy được tạo ra ở lớp thứ hai bên trong Trái đất - lớp phủ chủ yếu là rắn ở trên - và đi xuyên qua lớp vỏ Trái đất.
Bà Mather phân tích hầu hết các núi lửa ngầm có hoạt động liên tục dọc theo các rặng núi giữa đại dương, nơi hai mảng kiến tạo đang tách rời nhau.
Sự va chạm của hai mảng cũng có thể tạo ra núi lửa. Nếu cả hai mảng kiến tạo đều nằm bên dưới đại dương thì núi lửa sẽ phát triển dưới nước. Theo thời gian, chúng có thể phát triển để tạo thành các đảo núi lửa.
Hoạt động núi lửa trong một mảng kiến tạo đơn lẻ cũng có thể dẫn đến sự hình thành núi lửa. Điều này có thể xảy ra khi có một điểm nóng bên dưới một mảng đại dương, tạo ra một chuỗi đảo núi lửa giống như ở đảo Hawaii (Mỹ) nằm ở Thái Bình Dương.
Tác động của một vụ phun trào núi lửa dưới nước phụ thuộc vào độ gần của nó với bề mặt nước.
Ông David Pyle, nhà núi lửa học và giáo sư khoa học Trái đất tại Đại học Oxford, cho biết nếu vụ phun trào xảy ra rất sâu dưới nước, thì trọng lượng của lớp nước bên trên đóng vai trò như một nắp nồi áp suất.
Nếu một mảnh đá nóng chảy xuống biển cách bề mặt 2km, nó sẽ tiếp xúc với nước biển lạnh và nguội đi rất nhanh. Nước sẽ rất nóng, nhưng nó sẽ không chuyển thành hơi nước.
Tuy nhiên nếu nước đủ cạn, đá magma bắt đầu làm nóng nước, sau đó chuyển hóa thành hơi nước. Điều này tạo ra một sự thay đổi lớn về khối lượng.
Ông Pyle nói với Đài DW: "Các vụ nổ hơi nước thực sự có sức hủy diệt vì lúc đó một khối lượng nước nhỏ sẽ biến thành một khối lượng hơi nước khổng lồ. Ngoài nguy cơ sóng thần, khối lượng tro bụi bay lên không trung khi núi lửa dưới nước phun trào ở vùng nước nông có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân".
Những ngọn núi lửa ở dưới nước khiến cho việc nghiên cứu chúng trở nên khó khăn.
Các nhà khoa học làm việc trên đất liền có thể tìm hiểu về lịch sử của núi lửa bằng cách đến thăm địa điểm núi lửa và thu thập dữ liệu. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng trình tự vách đá hoặc đào hố và thu thập vật liệu.
Đối với núi lửa nằm dưới nước, các nhà khoa học thường phải dựa vào khảo sát biển và công nghệ lập bản đồ thông qua định vị bằng âm thanh (sonar).
TTO - Trong cập nhật đầu tiên sau thảm họa kép núi lửa, sóng thần, chính quyền Tonga cho biết toàn bộ nhà cửa trên một hòn đảo nhỏ ở nước này bị phá hủy hoàn toàn. Những ngọn sóng ập vào cao đến 15m.