Nhóm chuyên gia hàng đầu của Nhật, đứng đầu là ông Kawabuchi Saburo - “kiến trúc sư” J-League - đã đến Campuchia với quyết tâm nâng tầm bóng đá nước này.
Bóng đá Campuchia sau những thất bại ở Đông Nam Á đang rất quyết tâm
làm mới mình. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Trong mục tiêu dài hạn từ nay đến năm 2030 có nhiều điểm nhấn nhưng quan trọng nhất, ưu tiêu hàng đầu của các chuyên gia Nhật là giúp bóng đá Campuchia có những đại diện đá Champions League phải đạt được vào năm 2025. Đây là thước đo chuẩn xác của một nền bóng đá chuyên nghiệp nhờ nền tảng từ giải vô địch quốc gia vững chãi, giúp đội tuyển mạnh lên.
Theo lộ trình của nhóm chuyên gia Nhật, bóng đá Campuchia từ năm 2025 sẽ góp mặt tại Champions League và hai năm sau xuất hiện ở vòng chung kết Asian Cup, năm 2030 tham dự World Cup.
Cần biết người Nhật chỉ mất năm năm khi khai sinh giải chuyên nghiệp J-League năm 1993 thì đến năm 1998, đội tuyển Nhật góp mặt ở France và từ đó đến nay chưa vắng mặt lần nào. Tất nhiên, giữa Nhật và Campuchia có sự khác biệt lớn giữa quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển. Đặc biệt là “tinh thần làm việc” của người Nhật và người Campuchia thật khó so sánh... dẫn đến lộ trình đưa bóng đá Campuchia đi lên dài hơn.
Người Nhật muốn giúp bóng đá Campuchia ra sân chơi châu lục, làm cho thương hiệu CLB thăng hoa và điều quan trọng bậc nhất là tích lũy nhiều giá trị cho bóng đá quốc gia mạnh lên. Thái Lan đi theo hướng phát triển bền vững kiểu này nhờ nhiều CLB rất cạnh tranh có suất đá giải châu lục.
Trông người lại ngẫm đến mình, khi các CLB Việt Nam rất sợ đá Champions League vì thua thảm, mà chỉ ưu tiên “ao nhà V-League”. Không khó nhìn ra các đội bóng Việt Nam ra đấu trường Champions League rất hờ hững với tư tưởng “bị” thi đấu giải này chứ không phải “được”.
Mùa bóng 2022, chỉ có mỗi HA Gia Lai của bầu Đức hô hào với Champions League. HLV người Thái Kiatisak nêu quan điểm: “HA Gia Lai phải đá để tận hưởng và trải nghiệm khi chạm trán với những đội hàng đầu châu lục. Ở bảng H tử thần, tôi rất thích thú vì được chơi với Jeonbuk Hyundai Motors của Hàn Quốc, Yokomaha Maronos của Nhật để nhìn ra mình là ai, đang ở đâu!”.
Bóng đá Việt Nam cần nhiều ông chủ như bầu Đức, hay nhiều hơn HLV có đồng quan điểm như Kiatisak mới có những CLB mạnh làm nền móng cho tuyển quốc gia. Hiện nay, cả làng bóng cứ mỗi trông chờ vào tài năng ông Park Hang-seo mà đáng ra khi làm HLV đội tuyển quốc gia, ông phải thừa hưởng chất lượng từ cầu thủ ở CLB.