Quốc hội đã chính thức thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, Chính phủ sẽ thực hiện gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Đó là các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua...
Nóng lòng chờ được vay
Các nhà kinh doanh, chuyên gia có chung nhận định rằng khi gói hỗ trợ này đi vào thực tiễn sẽ tạo ra dòng vốn giá rẻ giúp DN hồi sinh sau cơn bạo bệnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi trong thời gian qua, vấn đề mà cộng đồng DN quan tâm nhiều nhất là lấy đâu ra vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, bày tỏ: “Hơn bao giờ hết, đây là lúc các DN cần Nhà nước giang tay trợ giúp để họ vượt qua cơn đại họa lớn chưa từng có”. Tuy nhiên, ông Phương kể do suốt hai năm qua bị dịch COVID-19 bào mòn sức khỏe nên rất nhiều lần đã đến gõ cửa ngân hàng để vay vốn. Thế nhưng đến đâu, câu hỏi đầu tiên nhận được từ phía nhà băng là “có tài sản bảo đảm không? Doanh thu trong ba năm gần đây ra sao?...”.
NHNN cho hay năm 2022 các ngân hàng thương mại phải tiết kiệm chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ DN. Ảnh: TL
“Đây là câu hỏi rất khó với các nhà sản xuất, kinh doanh vì trong suốt hai năm qua do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nên hầu hết các đơn vị không có doanh thu, thậm chí “chết lâm sàng”. Ngay như công ty tôi cũng phải cố gắng xoay xở, linh động đủ mọi cách để cầm cự nhưng doanh thu chỉ bằng 20%-30% so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19” - ông Phương nói.
Vì vậy, lãnh đạo Golden Smile Travel cho rằng nếu ngành ngân hàng vẫn giữ quan điểm chỉ cho vay với những công ty có tài sản thế chấp, làm ăn hiệu quả thì các đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch chẳng thể nào tiếp cận được gói hỗ trợ này được. Như vậy, để gói hỗ trợ 2% lãi suất đi vào thực tế thì cần có quy định chi tiết, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng.
“Chẳng hạn, với những công ty hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, khi muốn vay vốn ngân hàng chắc chắn không có gì để cầm cố, vì vậy cần có chính sách riêng như dựa vào báo cáo thuế, số lượng nhân sự, có bao nhiêu hợp đồng trong thời gian tới, giá trị hợp đồng ra sao... để cho vay” - ông Phương góp ý.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho rằng nếu ngân hàng cứ nhất định áp dụng các tiêu chí như phải có lãi trong mấy năm gần đây, phải có tài sản thế chấp, phải chứng minh được khả năng trả nợ… thì gói hỗ trợ lãi suất khó khả thi, khó đi vào cuộc sống.
“Chính sách hỗ trợ phải sớm đến được tay DN mới giúp họ có cơ hội phục hồi sản xuất sau dịch bệnh. Đã hai năm cộng đồng DN vật lộn với biết bao khó khăn để cầm cự và chưa biết khi nào đại dịch mới chính thức chấm dứt. Vậy mà đòi hỏi DN phải chứng minh có dòng tiền ổn định, làm ăn hiệu quả, chứng minh được khả năng trả nợ… thì làm sao họ làm được” - ông Hưng đặt vấn đề.
Đại diện một số công ty khác cũng nêu thực tế, thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN nhưng họ không thể tiếp cận do điều kiện, thủ tục quá khó. Vì vậy, cơ quan chức năng cần cải cách các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của nhà sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Nhà nước cần tạo thuận lợi cho các ngân hàng có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói hỗ trợ lãi suất.
Đang soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh ví von: Quan hệ giữa ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh nhưng không thể vì vậy mà giang tay cứu cả “người ốm nhẹ, ốm nặng đến người đang hấp hối được”. Nói cách khác, với khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính ở mức trầm trọng, không thấy tương lai trả nợ, phương án kinh doanh không khả thi thì sẽ rất khó áp dụng gói cấp bù lãi sất.
“Hơn nữa, nếu thiếu cơ chế rõ ràng, cụ thể thì dù gói hỗ trợ có hấp dẫn đến đâu đi chăng nữa cũng không dễ đi vào thực tiễn. Thực tế chẳng có ngân hàng nào dám cho vay nếu không có hướng dẫn rõ ràng” - vị lãnh đạo ngân hàng này nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo ngân hàng này cũng bày tỏ gói hỗ trợ lãi suất cần sớm được triển khai nhanh để hỗ trợ những DN. Tuy nhiên, nếu cho vay dưới chuẩn, rủi ro về tín dụng, nợ xấu tăng lên.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết: Chính phủ, Quốc hội đã giao cho ngành ngân hàng triển khai gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho DN. Trong đó, có bốn ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ chốt. Chính phủ sẽ có nghị quyết để triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất và hiện NHNN đang soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết.
Ông Tú thông tin thêm hiện nay các DN gặp rất nhiều khó khăn nhưng không thể ai cũng trông chờ vào gói hỗ trợ lãi suất này được. Gói hỗ trợ chỉ dành cho một số đối tượng ưu tiên cần thiết chứ không thể dàn trải cho tất cả đối tượng. Dù ưu tiên nhưng cần phải trúng đối tượng chứ ưu tiên mà chệch đối tượng thì thành ra sai phạm. Muốn trúng đối tượng thì phải có hướng dẫn tỉ mỉ, đầy đủ, giám sát chặt chẽ.
“Để đi vào thực tế, gói hỗ trợ lãi suất này sẽ cần sự chung tay từ cơ quan quản lý nhà nước cho đến các ngân hàng thương mại để triển khai sao cho hiệu quả, đúng quy định, đúng đối tượng” - phó thống đốc nhấn mạnh.
Tiếp tục cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi vay Ngoài gói hỗ trợ 2% lãi suất, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, tính toán hợp lý tỉ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong hai năm 2022 và 2023. Đại diện NHNN thông tin thêm năm 2022, cơ quan này vẫn giữ chủ trương hạ lãi suất nhưng trên cơ sở các ngân hàng thương mại phải tiết kiệm chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận trong điều kiện khó khăn hiện nay. Đồng thời, NHNN cũng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Bởi đây là giải pháp quan trọng để DN không bị chuyển nhóm nợ xấu, có thể tiếp cận được dòng vốn, khôi phục sản xuất, kinh doanh. |