Nhà thơ Giang Nam trong dịp ra mắt sách Xứ Trầm Hương (tái bản) của cố nhà văn Quách Tấn vào năm 2018 - Ảnh: P.S.N.
Theo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, tác phẩm của nhà thơ lão thành Giang Nam đã "sống" cùng nhân dân qua nhiều thế hệ. "Ông là một trong những tác giả tiền bối có những tác phẩm xuất sắc, đóng góp vào sự thành công của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam" - công văn của hội nêu.
Dư luận đồng tình
Thời gian gần đây, cũng theo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, dư luận trong và ngoài tỉnh đặt vấn đề cho rằng nhà thơ Giang Nam rất xứng đáng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Về ý kiến này, các thế hệ lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng như nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đều rất đồng tình.
Nhà thơ Giang Nam đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật từ năm 2001. Theo Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, "kỳ xét giải năm nay sắp qua, trong khi tuổi tác của nhà thơ lão thành Giang Nam nay đã cao (94 tuổi) và nếu đợi đến kỳ xét giải lần sau ông đã gần 100 tuổi...".
Trong khi đó, từ sau khi nhà thơ Giang Nam được tặng Giải thưởng Nhà nước, trước các kỳ xét giải thưởng sau đó (5 năm/lần), lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật và một số văn nghệ sĩ trong tỉnh đều động viên ông làm hồ sơ đăng ký để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng vì nhiều lý do nên nhà thơ và gia đình chưa làm hồ sơ đăng ký.
Theo quy định cũ khi chưa có nghị định 133, tác giả đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật muốn đăng ký để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật bắt buộc phải có thêm tác phẩm mới đã được tặng giải thưởng loại A hay hạng nhất trở lên trong các cuộc thi chuyên ngành toàn quốc hay do các hội trung ương xét tặng.
Là người từng in hồ sơ mang đến cho nhà thơ Giang Nam khai báo vào đợt xét giải trước nhưng "lúc đó chú Giang Nam chỉ cười nhưng không nhận để làm thủ tục đăng ký", họa sĩ Trần Hà - nay là chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa - cho biết đến đợt chuẩn bị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hiện nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng đã 3 lần đem hồ sơ đến nhà cho nhà thơ Giang Nam khai báo nhưng lúc này ông đã có biểu hiện không còn nhớ được đầy đủ nên không thể tự thực hiện đăng ký được.
Vì vậy, "cứ theo tình trạng đã nêu, có thể đến kỳ xét giải tiếp theo nhà thơ lão thành cách mạng Giang Nam và gia đình sẽ không tự làm hồ sơ để tham dự xét giải được".
Tỉnh sẽ tạo điều kiện
Mới đây, vào ngày 13-1-2022 tại cuộc gặp mặt, chúc Tết các văn nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh Khánh Hòa, khi được mời phát biểu ý kiến, nhà thơ Giang Nam nêu nội dung một bài báo đề cập về việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh có nhắc tới trường hợp của ông và tỏ ý đồng tình.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh và nhiều người tham dự, nhà thơ Giang Nam lúc trình bày ý kiến đã có biểu hiện không còn được mạch lạc, rõ ràng, có thể do tuổi tác cao.
Cũng tại cuộc gặp đó, nghệ sĩ ưu tú - đạo diễn Phạm Việt Tùng đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa quan tâm, có kiến nghị đặc cách đề nghị các cơ quan trung ương xem xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với trường hợp nhà thơ Giang Nam.
Bởi các thành tựu về Văn học nghệ thuật và giá trị đóng góp qua các tác phẩm thơ tiêu biểu của nhà thơ Giang Nam cũng như hoạt động của bản thân ông là rất xứng đáng được sự quan tâm, đặc cách đó khi xét trên bình diện của tỉnh cũng như quốc gia.
Với một người 94 tuổi đã có những biểu hiện nhớ quên lẫn lộn, việc đòi hỏi ông phải tự làm các hồ sơ, thủ tục khai báo theo "đúng quy trình" để được xét tặng giải thưởng ấy là một "thách đố".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Tuân - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết tỉnh sẽ tạo điều kiện giúp nhà thơ Giang Nam lập hồ sơ, báo cáo để đề xuất các cơ quan cấp trên xem xét tặng giải thưởng cho ông.
Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, quê quán huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), tham gia cách mạng từ năm 1945, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh và nguyên chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa.
Ông là tác giả các tác phẩm nổi tiếng được giảng dạy trong nhà trường như các bài thơ: Quê hương, Nghe em vào đại học, Tiếng nói Việt Nam và nhiều tác phẩm văn học khác.
Nhà thơ Giang Nam đã được tặng thưởng giải nhì về thơ tạp chí Văn nghệ năm 1961 (bài thơ Quê hương), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về thơ (tập thơ Quê hương), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
TTO - Sáng 20-5, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch tổ chức trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho nhiều văn nghệ sĩ.