Tại góc mai mối ở công viên Thiên Hà, ông Zhang Damao, 65 tuổi, vẫn chưa thể tìm được nửa kia của mình.
Ông làm trong ngành y học cổ truyền, ly dị cách đây 20 năm và hiện vẫn đang độc thân. Năm ngoái, sau khi chuyển nhà đến Quảng Châu, ông đã đến góc mai mối này treo áp phích thông tin cá nhân với hy vọng tìm được người bầu bạn lúc tuổi già.
Trong phần giới thiệu, Zhang cho biết ông không có nhà, không có xe hơi hay sổ tiết kiệm, tính cách ôn hòa, thích nấu ăn, giỏi y thuật và có thể chăm sóc sức khỏe cho bản thân và bạn đời. Ông đảm bảo rằng những người đến với ông sẽ có cuộc sống khỏe mạnh và viên mãn.
Dù đã nêu rõ hoàn cảnh và tính cách bản thân, song ông Zhang vẫn khó có thể chiếm được lòng tin của đối phương. "Ngày hôm qua tôi gặp một phụ nữ và bà ấy liên tục hỏi tôi nói có nói thật không. Sau đó bà ấy không liên lạc lại", ông kể.
Góc mai mối ở công viên Thiên Hà
Trong suốt nhiều năm qua, ông Zhang gặp vô số người. 90% trong số họ đều quan tâm đến việc ông có nhà và xe hay không. "Có người đã sở hữu vài bất động sản nhưng họ vẫn yêu cầu đối phương phải có. Tại sao họ cần nhiều bất động sản đến vậy?", ông hỏi.
Dẫu vậy, khi hỏi về tiêu chuẩn bạn đời lý tưởng, ông hy vọng người đó không quá dựa dẫm vào mình vì "nếu không thiếu tiền, bà ấy sẽ không tham lam".
Ông Zhao, 67 tuổi, cũng chia sẻ thông tin cá nhân lên góc mai mối. Ông có bất động sản, chưa kể lương hưu cao. Tuy nhiên, ngay cả khi có của nả, người đàn ông này vẫn chưa tìm được người phù hợp: "Chúng tôi không có sự kết nối, tiếng nói chung cũng không".
Vợ ông Zhao qua đời cách đây 10 năm. Con gái liên tục khuyên ông sớm tìm kiếm người bầu bạn, nhưng năm nay ông mới dám thử. Ông muốn đối phương là người đồng cảm, thân thiện và hòa đồng.
Tìm bạn đời ở tuổi trung niên đang trở thành xu hướng
Theo bà Ye, chủ một công ty mai mối cho người trung niên và cao tuổi tại Quảng Châu, nhu cầu tìm bạn đời của nhóm người này rất cao, song không dễ để tìm thấy nửa kia. Khác với thế hệ trẻ, họ muốn người yêu phải có địa vị xã hội. Họ cân nhắc nhiều thứ, từ tài chính, an sinh xã hội, bảo hiểm, trình độ học vấn cho đến con cái. Dù nhìn nhận của xã hội về vấn đề này đã thoáng hơn, song tâm lý phong kiến vẫn còn tồn tại. Sợ bị điều tiếng, nhiều cụ ông, cụ bà ở độ tuổi 70, 80 đã bỏ lỡ hạnh phúc.
Sợ bị điều tiếng, nhiều cụ ông, cụ bà ở độ tuổi 70, 80 đã bỏ lỡ hạnh phúc
Bà Ye cho biết, trước đây, nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ phản đối gay gắt việc bố mẹ mình đi bước nữa chủ yếu là do những rắc rối xoay quanh vấn đề phân chia tài sản. Tuy nhiên, ngày nay, thế hệ trẻ ngày càng độc lập hơn về tài chính và tôn trọng nhu cầu tình cảm của cha mẹ. Họ không sống chung nên cũng mong muốn cha mẹ mình có người bầu bạn, chăm sóc.
Điều tra dân số mới đây của Trung Quốc cho thấy những người trên 60 tuổi hiện chiếm 18,7% dân số. Nhiều người trong số họ mong muốn tái hôn và tìm kiếm bạn đời. Theo công ty truyền thông AgeClub, ước tính có ít nhất 50 triệu người như thế tại Trung Quốc đại lục. Các kênh mai mối cho người cao tuổi theo đó xuất hiện ngày càng nhiều. Một số đài truyền hình cũng tổ chức nhiều chương trình ghép cặp cho các cụ ông, cụ bà.
Hồi tháng 5 năm ngoái, ông Zhang cũng xuất hiện trong một chương trình hẹn hò ở Bắc Kinh. Ngay sau khi bước lên sân khấu, ông đã bị nữ chính từ chối vì không có nhà và xe để đưa đón bà mỗi khi đi chơi.
Dù ra về tay trắng nhưng ông Zhang vẫn đánh giá cao chương trình. Nó cho thấy xã hội đang quan tâm đến nhu cầu tình cảm của những người cao tuổi và nỗ lực giúp họ tìm được hạnh phúc.
Theo công ty truyền thông AgeClub, ước tính có ít nhất 50 triệu người cao tuổi Trung Quốc muốn tìm kiếm bạn đời
Một số công ty mai mối thậm chí còn chuyển trọng tâm sang phục vụ nhóm đối tượng trung niên và cao tuổi. Nhiều cặp đôi đã tìm thấy nhau, có người kết hôn, nhưng cũng có người chỉ sống chung mà không ràng buộc nhau bởi nghĩa vụ hợp pháp.
Theo giáo sư Zhou Xiaopu thuộc Đại học Renmin Trung Quốc, hầu hết những người trung niên và cao tuổi đều đã từng kết hôn nên họ có nhu cầu rõ ràng về một gia đình mới và mạnh dạn hơn trong việc thể hiện bản thân.
Tuy nhiên, nhu cầu tình cảm của người trung niên và cao tuổi tại Trung Quốc đại lục vẫn chưa được quan tâm một cách đúng đắn. Đa số vẫn chưa thay đổi quan niệm cũ và không dám thừa nhận nhu cầu của bản thân vì quá để tâm đến định kiến xã hội.
Theo: Braiseentrade.com
http://tintuc.vdong.vn/01/1190888.htmHuệ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị