Theo Bloomberg, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy các trader đang đặt cược vào việc nền kinh tế đang đi theo chiều hướng tích cực, ngay cả khi biến thể Omicron vẫn gây xáo trộn cho chuỗi cung ứng và lo ngại về hiệu quả của các loại vắc-xin hiện có.
Một rổ cổ phiếu hưởng lợi từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại được Wells Fargo theo dõi đã tăng trở lại mức trước đại dịch. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ liên tục sụt giảm do ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu tăng.
Sự hồi phục của lĩnh vực hàng hóa cũng cho thấy chu kỳ đầu tư và tiêu dùng đang hồi phục. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Đức vừa chuyển giao dịch tích cực khi các NHTW trên thế giới giảm quy mô kích thích thời đại dịch.
Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda Corp, cho biết: "Ngày càng nhiều ý kiến lạc quan rằng đại dịch sắp kết thúc và điều đó được thể hiện ở phản ứng của thị trường. Mỗi thị trường bạn nhìn vào đều có một xu hướng hồi phục tương tự và điều này vẫn kéo dài."
Một cuộc khảo sát của Bank of America với các nhà quản lý quỹ toàn cầu hôm thứ Ba cho thấy tỷ lệ phân bổ đối với cổ phiếu công nghệ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Các quỹ hiện đang nghiêng về các tài sản được hưởng lợi từ việc nền kinh tế hồi phục, từ cổ phiếu ngân hàng cho đến cổ phiếu năng lượng.
Ở phiên hôm qua, Nasdaq Composite tiếp tục đà sụt giảm và bước vào vùng điều chỉnh. Các cổ phiếu vốn hóa lớn gồm Amazon, Tesla và Apple đều giao dịch trong sắc đỏ.
Naka Matsuzawa - chiến lược gia của Nomura, cho biết: "Thị trường đang đi theo kịch bản rằng biến thể này sẽ có diễn biến ổn định trở lại. Ít nhất, chúng tôi dự đoán nhà đầu tư sẽ chuyển sự chú ý đến khả năng đại dịch sẽ sớm kết thúc do số ca nhiễm Omicron và tỷ lệ tử vong giảm."
Ở Anh - nơi biến thể này bắt đầu lan rộng vào tháng 11, Thủ tướng Boris Johnson sẵn sàng nới lỏng lệnh hạn chế về kinh tế khi số ca nhiễm và nhập viện giảm.
Nhưng thị trường toàn cầu không tăng một cách đồng đều. Nhà đầu tư hiện vẫn thể hiện sự lạc quan khi đổ thêm tiền vào thị trường, khi Ned Davis Research cảnh báo rằng động lực từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ chậm lại và ảnh hưởng của việc Fed thắt chặt chính sách đến thị trường.
Khả năng Fed nâng lãi suất vào tháng 3 là một nguyên nhân quan trọng khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ, trong khi đổ xô vào cổ phiếu ngân hàng, năng lượng.
Erlam nói: "Diễn biến chúng ta đang chứng kiến được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Chúng ta không thể khẳng định hoàn toàn đó chỉ là vì niềm tin cho rằng đại dịch sắp kết thúc - dù đây là nguyên do chính."
Nhìn vào một số lĩnh vực được dự đoán sẽ hưởng lợi từ việc đại dịch kết thúc cho thấy tâm lý nghi ngại vẫn còn. Solactive Travel & Leisure Index vẫn thấp hơn 18% so với mức trước đại dịch, trong khi US Global Jets ETF - theo dõi các hãng hàng không chở khách của Mỹ và quốc tế, giảm hơn 30%.
Tương tự, nhà đầu tư ở các thị trường lớn đều đang phần nào vẫn lo sợ dịch bệnh lây lan. Giá trị trái phiếu lợi suất âm toàn cầu đã giảm xuống 9,1 nghìn tỷ USD, bằng 1 nửa mức đỉnh vào năm 2020. Trong khi đó, Goldman Sachs dự đoán giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng trong quý III khi lượng tiêu thụ tăng lên.
Christopher Harvey - trưởng bộ phận chiến lược vốn cổ phần tại Wells Fargo, nhận định: "Từ của năm nay sẽ là ‘bình thường hoá’. Khi nói đến bình thuờng hoá, tôi nghĩ đến hoạt động chi tiêu, mối rủi ro, định giá và tất cả mọi thứ."
Tham khảo Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/01/1191199.htm