Biến chuyển nhiều mặt trong năm 2022
Tại talkshow "Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại "ngôi vương"?", bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect nhận định, năm 2022, các ngân hàng khó có dư địa cải thiện biên lãi ròng (NIM), tuy nhiên có triển vọng thu nhập ngoài lãi.
Bà Hiền cho biết, năm 2021, nhiều ngân hàng có tăng trưởng rất mạnh ở thu nhập ngoài lãi. Cách đây 3 năm, tỷ trọng này chỉ 20%, cao là 25%. Nhưng theo quan sát, 9 tháng đầu năm, có ngân hàng đã đạt trên 30% và hầu hết nhóm thu nhập ngoài lãi sẽ được đẩy mạnh từ thu nhập phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, đang tăng trưởng kép khoảng 30% trong các năm gần đây.
Do đó, trong năm 2022, ngân hàng nào đẩy mạnh ở mảng kinh doanh này thì sẽ có lợi thế về thu nhập ngoài lãi.
Điểm cũng đáng chú ý khác, tỉ lệ chi phí hoạt động (CIR) của các ngân hàng có xu hướng giảm khá mạnh trong năm 2021. Trước đây dưới 40% là khá lý tưởng. Nhưng năm 2021, nhiều ngân hàng chỉ 30-35%, thậm chí có ngân hàng dưới 30%. Điều này chỉ phản ánh trong 1 năm, nhưng cũng cho thấy, những ngân hàng có sự đầu tư số hóa, hạ tầng những năm trước thì năm nay bắt đầu gặt hái kết quả.
Mặt khác, điểm không lý tưởng có lẽ là chất lượng tài sản, nợ xấu có sự nhích lên đáng kể ở quý 3. Hiện tỉ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,9%, cao hơn 1,7% năm 2020, chưa kể nợ tiềm ẩn, nợ. Điều này phản ánh người dân và doanh nghiệp đã bị thiệt hại khá nhiều bởi đại dịch.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, các ngân hàng Việt Nam đã khỏe hơn nhiều so với các lần khủng hoảng trước khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhiều ngân hàng rất cao, nhiều ngân hàng đạt trên 200%. Và khá nhiều ngân hàng trích lập 50-60% lợi nhuận trước dự phòng, để chuẩn bị cho việc nợ xấu có thể cao hơn nữa trong năm 2022.
Cổ phiếu ngân hàng liệu có thể trở lại "ngôi vương"?
Trả lời câu hỏi trên, đại diện phía VNDirect đã đưa ra dự báo dựa trên 2 góc nhìn, được coi là yếu tố dẫn dắt cho cổ phiếu ngành này trong năm tới.
Thứ nhất, góc nhìn thị trường, thị trường chứng khoán vẫn có sự tham gia nhiệt tình của nhà đầu tư trong nước khi tài khoản mở mới tăng cao, giúp duy trì thanh khoản trên thị trường trong năm 2022. Chúng ta bắt đầu ghi nhận những phiên có tới 40-50 nghìn tỷ.
Với lượng thanh khoản như vậy, khi nhà đầu tư nhận ra việc đầu tư theo cổ phiếu được hô hào trên các hội nhóm, các doanh nghiệp ít thông tin sẽ rất rủi ro, họ sẽ quay lại các cổ phiếu cơ bản, có công bố thông tin minh bạch thì ngành ngân hàng sẽ được chú ý.
Thứ hai, về bức tranh kế hoạch kinh doanh ngành ngân hàng, giới phân tích cho rằng bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ thấp hơn 2021 khi phải cân bằng kiểm soát rủi ro, chúng tôi dự báo lợi nhuận chỉ tăng 19%, thấp hơn năm 2021. Tuy nhiên thị trường cũng đã nhận thấy điều đấy.
Việc tăng vốn, nới room ngoại, chuyển sàn có thể dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng. Năm 2022, sẽ khó có sóng ngành, và sẽ có sự phân hóa, cơ hội không đồng đều, có ngân hàng sẽ tăng vượt bậc.
Qua đó, ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng thì sẽ có lợi thế. Ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như bancassurance (dịch vụ bảo hiểm liên kết với ngân hàng) cũng sẽ có lợi thế. Ngoài ra, ngân hàng nào có cho vay cá nhân nhiều thì có biên lãi suất cao hơn, trong bối cảnh lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào thì đang có xu hướng nhích lên. Ngân hàng nào có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có cơ hội trong năm 2022.
Đồng tình với ý kiến về viễn cảnh tươi sáng trong năm mới của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập ABBank cho rằng, năm qua, nhờ việc thực hiện chủ động, linh hoạt, đồng bộ và nhất quán chính sách tiền tệ đã giúp thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, hoạt động thông suốt, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, mặt bằng lãi suất và tỷ giá trung tâm giảm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Và tất cả các kết quả này sẽ tiếp tục tạo ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế trong năm nay.
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các chỉ thị về hướng đến mục tiêu: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid và thiên tai; hệ thống phát triển an toàn, bền vững; Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh chính sách tiền tệ, các chính sách tài khóa, thương mại và đầu tư cũng sẽ được triển khai đồng bộ sẽ hỗ trợ phục hồi chuỗi sản xuất, kích thích đầu tư, tiêu dùng và tạo đà tăng trưởng kinh tế với mục tiêu 6,5-7%.
Mặt khác, chỉ số VN-Index – phong vũ biểu của nền kinh tế, đang được các chuyên gia dự báo là sẽ chuyển từ vùng cận biên sang vùng mới nổi và dự kiến tăng lên xấp xỉ 1.800 điểm, thậm chí tăng trưởng hơn nữa vào 2023 nếu dịch bệnh được kiểm soát như dự báo.
Với môi trường kinh tế tăng trưởng tốt, "sức khỏe" của các doanh nghiệp được củng cố/tăng cường, hành lang chính sách được cải thiện đang giúp các ngân hàng mở rộng các cơ hội kinh doanh, phát triển thêm các sản phẩm mới.