Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay, có 16.637 ca mắc Covid-19 trên cả nước. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 19.1 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.715 ca nhiễm mới, trong đó 78 ca nhập cảnh và 16.637 ca ghi nhận trong nước (tăng 701 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội 2.884 ca, Đà Nẵng 983 ca, Hải Phòng 722 ca, Bến Tre 614 ca, Khánh Hòa 579 ca, Hưng Yên 565 ca, Bình Định 521 ca, Quảng Ngãi 513 ca...
|
Ngày 20.1: Cả nước 16.715 ca Covid-19, 5.736 ca khỏi | Hà Nội 2.884 ca | TP.HCM 245 ca |
Theo công bố của các Sở Y tế, hôm nay có 5.736 bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện, 4.591 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó, 647 ca thở máy xâm lấn và 20 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 152 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 13 (2 ca chuyển đến từ Long An và Tiền Giang). Các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Kiên Giang mỗi nơi ghi nhận 12 ca; Sóc Trăng Tiền Giang và Hậu Giang mỗi nơi ghi nhận 9 ca; Tây Ninh, An Giang, Bến Tre mỗi nơi ghi nhận 6 ca…
Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 cho người dân tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM độc lập |
TP.HCM ghi nhận 68 ca mắc biến chủng Omicron, hoạt động đông người vẫn diễn ra bình thường. Chiều 20.1, tại buổi họp báo định kỳ, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM cho biết đến nay cả nước ghi nhận 108 ca mắc biến chủng Omicron, trong đó TP.HCM có 68 ca. “Người dân không quá hoang mang, lo lắng, thành phố đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với biến chủng này. Thành phố trân trọng đề nghị người dân bình tĩnh, thực hiện tốt 5K và vắc xin. Ý thức của người dân sẽ giúp thành phố kiểm soát được dịch bệnh”, ông Hải nói.
Trả lời câu hỏi liệu TP.HCM có thay đổi quy mô các hoạt động đông người dịp Tết Nguyên đán hay không, ông Hải cho biết đến nay chưa có gì phải thay đổi, các hoạt động như đường hoa, đường sách, hội hoa xuân... vẫn diễn ra bình thường. Tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết ngành y tế vẫn đang thực hiện việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch với chùm ca biến chủng mới, đồng thời vẫn giám sát, sàng lọc đối với các nhóm nguy cơ ngoài cộng đồng, nếu nghi ngờ thì giải trình tự gien.
|
TP.HCM ghi nhận 68 ca Covid-19 biến chủng Omicron, hoạt động đông người có bị thu hẹp? |
TP.HCM ghi nhận thêm 3 ca mắc Covid-19 từ chùm ca biến chủng Omicron trong cộng đồng. Chiều 20.1, tại buổi họp báo định kỳ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thành phố ghi nhận chùm lây nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng gồm 3 người, có liên quan đến một người nhập cảnh vào Việt Nam từ Mỹ.
Bà Mai thông tin, theo quy định của Bộ Y tế, các trường hợp tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 khi nhập cảnh sẽ phải cách ly tập trung 3 ngày, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3. Đối chiếu với quy định, người này đã có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay về Việt Nam và sau thời gian cách ly tập trung 3 ngày tại Nha Trang rồi về TP.HCM. Đối với 3 ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng, ngành y tế đã thực hiện truy vết 11 người liên quan và tiếp tục ghi nhận thêm 3 người mắc Covid-19. Hiện 3 trường hợp này đang chờ kết quả giải trình tự gien để làm rõ có nhiễm biến chủng mới hay không.
Hàng nghìn nhân viên y tế xin nghỉ việc sau 2 năm chống dịch Covid-19. Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2021 được Bộ Y tế tổ chức sáng nay 20.1. Theo Bộ Y tế, vừa qua ca mắc Covid-19 tăng nhanh do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột, gây quá tải hệ thống y tế, đến nay dịch cơ bản được kiểm soát. So với tháng cao điểm (tháng 8, 9.2021) số ca tử vong đã giảm, nhưng vẫn ở mức gần 200 ca/ngày.
Hai năm chống dịch, nhân viên y tế mệt mỏi do liên tục làm việc trong môi trường áp lực cao, đối diện nguy cơ lây nhiễm cao, bị sang chấn tâm lý, quá tải công việc. Đã có hàng nghìn người xin nghỉ, thôi việc, gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực. Năm 2022, Chính phủ giao Bộ Y tế đạt chỉ tiêu 3,03 dược sĩ đại học/10.000 dân; 15 điều dưỡng/10.000 dân; 9,4 bác sĩ/10.000 dân; 29,5 giường bệnh/10.000 dân; tuổi thọ bình quân đạt 73,8…
Cà Mau triển khai phần mềm quản lý người mắc Covid-19. Ngày 20.1, Sở Y tế tỉnh Cà Mau có văn bản đề nghị Sở TT-TT cùng các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các khu điều trị Covid-19 tăng cường, các bệnh viện dã chiến triển khai phần mềm quản lý người mắc Covid-19 tại các cơ sở điều trị và điều trị tại nhà. Theo Sở Y tế Cà Mau, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến khá phức tạp, có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, số người mắc Covid-19 điều trị tại nhà ngày càng tăng. Từ đó, Sở Y tế phối hợp với Viễn thông Cà Mau xây dựng phần mềm quản lý người mắc Covid-19 tại các cơ sở điều trị và điều trị tại nhà.
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, tuyên truyền và tư vấn cho người mắc Covid-19, ngày 17.1 Sở Y tế phối hợp với Viễn thông Cà Mau tổ chức tập huấn phần mềm “Quản lý ca nhiễm (F0)” cho các cơ sở điều trị F0, khu điều trị tăng cường, trạm y tế, trạm y tế lưu động trên địa bàn tỉnh. Thời gian bắt đầu triển khai sử dụng phần mềm “Quản lý ca nhiễm (F0)” từ ngày 18.1. Các trường hợp mắc Covid-19 được khai báo trực tuyến thông qua phần mềm “Quản lý ca nhiễm (F0)” từ ngày 24.1.
Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, kit xét nghiệm tại TP.HCM trong 2 năm qua. Sáng 20.1, Phó tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit test xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, cùng dự có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và đại diện Thanh tra TP.HCM, Sở Y tế…
Theo quyết định thanh tra, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố trong thời kỳ thanh tra từ ngày 1.1.2020 đến ngày 31.12.2021, trường hợp cần thiết có thể xem xét trước và sau thời kỳ thanh tra trên. Đoàn thanh tra gồm 12 thanh tra viên, do ông Nguyễn Trường Giang, Phó cục trưởng Cục III, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn, sẽ thực hiện công tác thanh tra trong 30 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật).
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, nhiều dịch vụ kinh doanh ở Cà Mau được hoạt động trở lại. Theo quyết định mới điều chỉnh, cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp, spa; phòng tập gym, yoga, phòng tập thể hình, thể dục dụng cụ, bida, nếu dịch ở cấp độ 1, các hoạt động: vũ trường, quán bar dừng hoạt động; các loại hình còn lại được hoạt động nhưng không vượt quá sức chứa tối đa; đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch ở cấp độ 2, các hoạt động vũ trường, quán bar, internet, trò chơi điện tử dừng hoạt động; các loại hình còn lại được hoạt động nhưng không tập trung quá 50% sức chứa tối đa cùng một thời điểm; đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch ở cấp độ 3, 4 dừng hoạt động. Theo quyết định công bố cấp độ dịch Covid-19 thực hiện từ 0 giờ ngày 21.1, Cà Mau không còn đơn vị vùng cam, vùng đỏ.