Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ 9.400m3/s lúc 15h chiều 30-11-2021 - Ảnh: DUY THANH
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh như vậy khi kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, diễn ra ngày 20-1.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết năm 2021, cả nước xảy ra tổng số 4.061 trận thiên tai, tai nạn, sự cố làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành nhận định số lượng bão và áp thấp nhiệt đới năm 2022 dự báo ở mức tương đương trung bình nhiều năm (12 - 14 cơn bão trên Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng 4 - 6 cơn). Có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới/bão sớm ảnh hưởng tới Bắc Bộ.
"Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019 - 2020. Tháng 2 và 3-2022, thời tiết ẩm ướt, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù gia tăng so với thời kỳ này hằng năm ở khu vực Bắc Bộ", ông Thành nói.
Về định hướng nhiệm vụ năm 2022, ông Thành cho biết Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - phó thường trực Ban Chỉ đạo - cho rằng cần tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào trước mùa mưa bão năm tới.
"Hội nghị cũng sẽ thảo luận về quy chế của Ban Chỉ đạo, quy chế vận hành hồ chứa, liên hồ chứa giữa thủy lợi và thủy điện, trách nhiệm các địa phương", ông Hoan nói.
Phó thủ tướng yêu cầu rà soát lại quy trình vận hành xả lũ hồ chứa, hồ thủy điện trên các sông - Ảnh: ĐỨC TUÂN
Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2021 là thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Đây là kết quả mà Thường trực Ban Chỉ đạo và Ủy ban quốc gia đã rất chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương xây dựng các kịch bản chỉ đạo, ứng phó linh hoạt, phù hợp, sát với diễn biến tình hình để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý 2 vấn đề là quy định, quy chế và việc điều hành hồ chứa. "Nếu quy định, quy chế không tốt thì mệnh lệnh sai, điều hành sai". Do đó, cần rà soát lại hệ thống quy định, quy chế.
Cho rằng việc xả lũ không đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến người dân, Phó thủ tướng nhấn mạnh, cần hết sức chú ý, rà soát lại quy trình, bảo đảm không để vì xả lũ mà gây thiệt hại tính mạng của người dân.
Phó thủ tướng đặt vấn đề: nếu chúng ta dự báo được, tiến hành xả nước trước vài ba ngày thì sau trận bão, trận mưa đó, lượng nước trong hồ vẫn đạt mức theo thiết kế, không ảnh hưởng đến sản xuất thủy điện và không ảnh hưởng đến vùng hạ du.
"Chúng ta cần tiến hành kiểm tra trước tại các điểm xung yếu về hồ, đập, đê điều sớm hơn để gia cố sớm. Các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, nhất là thiên tai, sự cố lớn trên diện rộng, đặc biệt là phương án chỉ đạo điều hành, triển khai đoàn công tác hiện trường cũng như phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai và dịch bệnh", ông Thành yêu cầu.
TTO - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - khi đi kiểm tra hậu quả lũ lụt tại Phú Yên sáng nay 4-12.
Xem thêm: mth.1503528102102202-neid-yuht-auhc-oh-ul-ax-hnah-nav-hnirt-yuq-ial-taos-ar/nv.ertiout