Hà Tĩnh – Ông Bùi Duy Chân, nguyên tổ trưởng dân phố tại huyện Nghi Xuân bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Bị khởi tố vì làm hồ sơ cấp đất nông nghiệp cho 103 hộ
Ngày 20.1, Tòa án nhân dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, bị can là Đại tá Bùi Duy Chân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng uỷ Quân đoàn 2, đã nghỉ hưu vào năm 2006.
Năm 2013, ông Chân làm Tổ trưởng dân phố 7, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tháng 5/2021, ông Chân bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2014, ông Chân là thành viên Hội đồng tư vấn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thị trấn Xuân An. Nhiệm vụ ông Chân là Trưởng tiểu ban (gồm 11 thành viên) giúp việc đo đạc bản đồ địa chính tại tổ dân phố (TDP) 7.
Quá trình tham mưu cho Hội đồng tư vấn đo vẽ bản đồ, ông Chân phát hiện có diện tích 9.333,3m2 đất nông nghiệp trên địa bàn TDP7 do 20 hộ đang sử dụng canh tác (dưới hình thức mượn đất của TDP 7) thuộc 41,5ha đất nông nghiệp đã được phê duyệt trong Đề án giao đất năm 2002 nhưng chưa được chia cho cá nhân, hộ gia đình.
Ban cán sự TDP 7 đã tổ chức họp dân để lấy lại 9.333,3m2 đất đó chia đều cho 103 hộ gia đình canh tác. Chủ trương đã thông qua cuộc họp dân và được mọi người nhất trí. Hồ sơ thủ tục được lập đúng quy trình, thông qua các cấp xét duyệt và niêm yết công khai. Tháng 4/2016, UBND huyện Nghi Xuân có quyết định cấp sổ đỏ đất nông nghiệp cho 126 cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất tại TDP 7 (trong đó bao gồm 9.333,3m2 đất mới được chia thêm cho 103 hộ).
Ngày 30.6.2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 1773 chấp nhận chủ trương đầu tư khu đô thị mới Xuân An thuộc thị trấn Xuân An. Dự án do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đông Dương Thăng Long thực hiện với quy mô 27,32 ha và tổng vốn đầu tư hơn 306 tỉ đồng.
Dự án thuộc danh mục ngân sách nhà nước chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Do 5.544,8m2/9333,3m2 đất nông nghiệp nêu trên nằm trong quy hoạch dự án nên bị thu hồi. Nhà nước đã chi tổng số tiền 1.047.555.000 đồng để bồi thường cho 78 hộ dân bị thu hồi đất.
Do có đơn tố cáo, cơ quan chức năng vào cuộc, cáo trạng cho rằng ông Chân có hành vi đưa diện tích 9.333,3m2 đất (thuộc quyền quản lý của UBND thị trấn Xuân An) vào kê khai chia đều cho các hộ dân, dẫn đến việc nhà nước phải chi trả hơn 1 tỉ tiền bồi thường khi thu hồi 5.544,8m2 đất. Do đó, ông Chân bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", với khung hình phạt từ 10-15 năm tù.
Cấp đất đúng quy trình, tổ trưởng vẫn bị khởi tố
Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Bùi Duy Chân cho rằng ông Bùi Duy Chân không thể là chủ thể của tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”. Bởi vì ông Chân chỉ là một tổ trưởng dân phố, có nhiệm vụ giúp việc cho Hội đồng tư vấn đất đai thị trấn, không có quyền cấp đất cho dân; ông Chân không phải là cán bộ, công chức, viên chức. Hành vi của ông Chân xuất phát từ nhận thức chia ruộng để người dân thuận lợi trong sản xuất.
Mặt khác, diện tích đất 9.333,3m3 đất nói trên là đất nông nghiệp đã được giao cho người dân TDP 7 thị trấn Xuân An từ năm 2002. Đến năm 2014, TDP họp, thống nhất chia đều cho các hộ dân, không vi phạm quy hoạch, không tranh chấp. Quá trình làm hồ sơ cấp bìa đất cho các hộ thực hiện niêm yết công khai, minh bạch.
Tại văn bản số 184 ngày 19.2.2019 của UBND huyện Nghi Xuân do Phó Chủ tịch Phạm Tiến Hưng kí, khẳng định “việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TDP 7 được thực hiện công khai đúng trình tự quy định”.
Cáo trạng kết luận việc chia đất nói trên là sai phạm, vì cho rằng đó là đất “chưa giao”, “thuộc quyền quản lý của UBND thị trấn Xuân An. Tuy nhiên, tại phiên tòa, các cán bộ đại diện cho UBND huyện Nghi Xuân và thị trấn Xuân An đều thừa nhận không có hồ sơ nào thể hiện diện tích đất nói trên là thuộc quyền quản lý của UBND thị trấn Xuân An, mà thực tế người dân mượn canh tác thông qua TDP.
Việc chia đất nông nghiệp, làm bìa đỏ cho dân là làm lợi cho dân, để ổn định lâu dài phục vụ sản xuất. Sau khi người dân được chia đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không phát sinh thiệt hại.
Thiệt hại chỉ xảy ra sau đó, khi có dự án bất động sản của tư nhân lấy đất nông nghiệp, và ngân sách phải chi trả tiền giải phóng mặt bằng. Trường hợp này, nếu phát hiện cấp sổ đỏ cho dân và áp giá bồi thường không đúng thì cần phải yêu cầu thu hồi sổ đỏ và thu hồi số tiền đã đền bù sai. Tuy nhiên, đến nay, UBND huyện Nghi Xuân vẫn không thực hiện động thái này.
Tại phiên tòa, ông Chân khai mọi việc đều thông qua tập thể, phát huy dân chủ và có báo cáo cấp trên đầy đủ, tuy nhiên cáo trạng xác định ông Chân phạm tội một mình, không có đồng phạm.
Xem thêm: odl.190799-nah-neyuq-uv-cuhc-gnud-iol-iot-iv-aot-ar-ohp-nad-gnourt-ot-neyugn/taul-pahp/nv.gnodoal