Một cơ sở xét nghiệm COVID-19 gần Nantes, Pháp ngày 17-1 - Ảnh: REUTERS
Ngày 20-1, bất chấp hơn 425.000 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận trong ngày, Pháp cho biết từ đầu tháng sau sẽ bắt đầu nới lỏng hàng loạt biện pháp như quy định làm việc tại nhà, cho phép mở lại các hộp đêm, rạp chiếu phim... Từ ngày 2-2, người dân Pháp cũng không còn bị buộc phải đeo khẩu trang tại các khu vực ngoài trời.
Tuy nhiên, Pháp sẽ áp dụng giấy thông hành vắc xin từ ngày 24-1, buộc mọi người phải chứng minh đã tiêm ngừa khi đến các nơi công cộng như nhà hàng, quán cà phê, rạp phim, các chuyến tàu có lộ trình dài.
Theo Thủ tướng Pháp Jean Castex, làn sóng dịch do biến thể Delta tại nước này đang lắng xuống trong khi đợt dịch do biến thể Omicron bắt đầu chững lại ở nhiều nơi. Dù có hơn 425.000 ca mắc COVID-19 ngày 20-1, số bệnh nhân trong phòng cấp cứu vẫn ổn định.
Tại Áo, Hạ viện nước này đã thông qua quy định bắt buộc tiêm ngừa COVID-19 đối với người trưởng thành từ ngày 1-2. Nếu qua được ải Thượng viện, đây sẽ là quy định bắt buộc tiêm ngừa đầu tiên tại một nước châu Âu. Chính phủ Áo bắt đầu soạn quy định này từ tháng 11-2021 khi nhiều người kiên quyết không tiêm ngừa và số ca bệnh tăng mạnh.
Tại Thụy Điển, chính quyền cũng giúp người lao động làm việc dễ dàng hơn trong dịch khi giảm thời gian cách ly khi tiếp xúc với người mắc bệnh từ 7 xuống còn 5 ngày, thậm chí không cần cách ly nếu là lao động trọng yếu. Những người làm việc tại nhà cũng không cần xét nghiệm vì đang thiếu các bộ xét nghiệm.
Người dân xếp hàng xét nghiệm COVID-19 tại Thụy Điển - Ảnh: REUTERS
Malaysia đã quyết định giảm thời gian cách ly y tế từ 7 ngày xuống còn 5 ngày đối với những người nhập cảnh đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi tăng cường, nhưng họ vẫn phải thực hiện xét nghiệm trước và sau khi nhập cảnh. Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết quyết định trên được đưa ra dựa trên những dữ liệu và thông tin khoa học đã được kiểm chứng ở nhiều nước trên thế giới.
Bộ Y tế Israel quyết định triển khai tiêm mũi thứ ba vắc xin COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi 5-11 thuộc nhóm có nguy cơ cao, với mục tiêu giúp bảo vệ nhóm đối tượng này trước biến thể Omicron. Loại vắc xin COVID-19 được sử dụng để tiêm cho trẻ em tại Israel là của hãng Pfizer.
Tại Ấn Độ, bang Maharashtra cho phép mở cửa trở lại các trường học từ ngày 24-1 tới do số ca mới nhiễm biến thể Omicron đang có chiều hướng giảm đáng kể tại đây.
27 công ty sản xuất thuốc trị COVID-19 giá rẻ
Các công ty sản xuất thuốc gốc này sẽ tham gia sản xuất phiên bản giá rẻ của thuốc điều trị COVID-19 do hãng dược Merck phát triển để cung cấp cho 105 nước nghèo, giúp các nước này có thêm vũ khí chống dịch.
Ngày 20-1, Hãng tin Reuters cho biết theo thỏa thuận đạt được giữa tổ chức y tế Medicines Patent Pool (MPP) và Merck, một liệu trình gồm 40 viên molnupiravir cho 5 ngày điều trị sẽ có giá chỉ 20 USD tại các nước nghèo, thấp hơn nhiều so với liệu trình 700 USD tại Mỹ.
Các công ty tham gia thỏa thuận trên nằm rải rác trên khắp thế giới, ở các nước Ai Cập, Jordan, Kenya, Nam Phi, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam. 5 hãng dược sẽ tập trung sản xuất nguyên liệu đầu vào, 13 hãng sản xuất cả nguyên liệu đầu vào và thuốc thành phẩm, trong khi 9 hãng sẽ đảm trách khâu đóng gói.
COVID-19 tấn công cơ sở nghiên cứu ở Nam Cực
Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, virus SARS-CoV-2 đã tấn công cơ sở nghiên cứu của Argentina ở Nam Cực. Theo Hãng tin AFP, 24 trên tổng cộng 43 nhà nghiên cứu và 1 nhân viên quân sự tại cơ sở La Esperanza mắc COVID-19. Việc lây lan kéo dài gần 1 tuần và nguồn dịch được cho là từ 1 thành viên mới đến.
Những người bị bệnh không có triệu chứng nhưng 9 người chưa tiêm ngừa đã được di tản về Buenos Aires để phòng hờ. Những người này trước đó trì hoãn tiêm ngừa vì sợ gặp tác dụng phụ của vắc xin trong hoàn cảnh khắc nghiệt ở Nam Cực và dự kiến sẽ trở về Buenos Aires để tiêm. 15 người mắc bệnh đã tiêm ngừa sẽ ở lại căn cứ nghiên cứu.
Trước đó, ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Nam Cực được ghi nhận vào tháng 12-2020 tại một cơ sở nghiên cứu của Chile.
TTO - Một cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã đạt thỏa thuận cho phép 30 công ty dược tham gia sản xuất Molnupiravir - thuốc điều trị COVID-19 dạng viên của Hãng dược Merck & Co's (Mỹ).