Năm 2021, xuất nhập khẩu được xem là điểm sáng của bức tranh kinh tế, đạt hơn 660 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, dù vẫn chịu ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của COVID-19.
Trong một báo cáo mới đây từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với mức tăng trưởng GDP đạt 5,5%. Khu vực dịch vụ sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin. Đây là điều kiện để kích hoạt hoạt động sản xuất, giúp kim ngạch xuất khẩu tiếp tục vị thế dẫn đầu nền kinh tế.
Phòng khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt cho mỗi ca sản xuất, chia khoảng cách làm việc tối thiểu 2m…, đây là cách doanh nghiệp thích ứng sản xuất an toàn để 100% nhân công nhà máy yên tâm làm việc, tăng ca đêm, kịp thời đáp ứng các đơn hàng cuối năm cho đối tác trong và ngoài nước.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Trong năm 2022, chúng tôi đặt kỳ vọng phát triển tăng trưởng khoảng 20%, nhưng tôi nghĩ rằng con số này sẽ lớn hơn. Cụ thể, chúng tôi đang nhận được rất nhiều đàm phán cũng như lập các dự án mới", ông Trịnh Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đại Dũng, cho biết.
Theo dự báo của ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7 và sẽ tăng lên 7% vào năm 2023. Môi trường thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ xuất khẩu, trong khi nhập khẩu vẫn tăng cao. Tuy nhiên, tình hình sẽ cải thiện tích cực trung hạn.
"Dịch COVID-19 tiếp tục là một rủi ro lớn, ít nhất trong ngắn hạn. Quý 1 là giai đoạn các nhà máy có thể sẽ quay trở lại hoạt động hết công suất cũng như Chính phủ đưa ra chương trình kích thích kinh tế. Chúng ta có thể nhận thấy sự phục hồi một cách rõ ràng hơn trong tháng 3 năm nay", ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, đánh giá.
Sản xuất và xuất khẩu cũng được ngân hàng HSBC nhận định sẽ tiếp tục vị thế dẫn đầu, bên cạnh thu hút dòng vốn FDI và hoạt động tiêu dùng.
Tính riêng quý 4, tiêu dùng trong nước tăng trưởng 28% so với quý trước, việc đẩy mạnh tiêm vaccine và các địa phương mở cửa lại nền kinh tế đã giúp việc làm và thu nhập của người lao động được cải thiện.
Các hiệp định thương mại sẽ là động lực chính thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu.
"Năm ngoái, với hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, Việt Nam xuất siêu vào châu Âu khoảng 21 tỷ USD, cao nhất từ trước đến giờ. Đầu năm nay, Hiệp định thương mại khu vực là RCEP bắt đầu có hiệu lực, do đó hiệp định thương mại này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam có thể tiếp cận và thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường khác; đồng thời cũng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là với một số "siêu thị trường" đến từ các quốc gia cùng tham gia các Hiệp định thương mại. Trong đó, các ngành sản xuất như: dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021. Điều này sẽ đẩy kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 16 - 20% trong năm 2022.
VTV.vn - Nhiều tổ chức quốc tế đều đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.17684048012102202-2202-man-gnort-uahk-taux-gnas-meid-o-gnov-yk/et-hnik/nv.vtv